Hình sự

Về thủ tục "kiểm tra căn cước" tại phiên tòa hình sự

Cập nhật: 18-08-2011 16:41:42

Xung quanh thủ tục cũng như đối tượng của việc kiểm tra căn cước tại phiên tòa còn có nhiều ý kiến tranh cãi trong giới nghiên cứu cũng như những người làm công tác áp dụng pháp luật

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến xung quanh việc “kiểm tra căn cước” quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS)

Theo quy định tại Điều 201 BLTTHS thì một trong những thủ tục bắt đầu phiên tòa là việc “Sau khi nghe Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước của những người đó…” Vậy việc kiểm tra căn cước là kiểm tra những nội dung gì? Kiểm tra căn cước nhằm mục đích gì? Những đối tượng nào bị Tòa kiểm tra căn cước và sau hết là để xác định “căn cước” của Luật sư thì cần có những giấy tờ gì?

Trước hết, về việc kiểm tra căn cước:

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam thì căn cước là “những điểm cơ bản về gốc tích, quan hệ thân tộc, đặc điểm nhân dạng, đủ để phân biệt từng cá nhân trong xã hội. Nội dung căn cước gồm: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; họ, tên cha, mẹ; nơi thường trú; đặc điểm nhận dạng, vân tay, ảnh. Thẻ Căn cước là giấy chứng nhận ghi tóm tắt lí lịch của mỗi cá nhân, do chính quyền cấp cho các công dân…” Ở Việt Nam, Thẻ căn cước được sử dụng trong thời Pháp thuộc (1945 trở về trước) như Giấy thông hành hoặc Giấy chứng minh trong phạm vi toàn Đông Dương. Đến năm 1946, theo Sắc lệnh số 175 - b ngày 6.9.1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Thẻ công dân được sử dụng thay cho thẻ Căn cước. Thẻ công dân chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân, bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, tên bố mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp... do Uỷ ban hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Từ năm 1957, Thẻ công dân được thay bằng Giấy chứng minh; năm 1976, Giấy Chứng minh nhân dân được sử dụng thống nhất trong cả nước, từ năm 1999, được thay bằng Chứng minh nhân dân (CMND) theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, kiểm tra căn cước là việc cơ quan có thẩm quyền xác định những đặc điểm về nhân thân của đối tượng bị kiểm tra để phục vụ cho một công việc nhất định; việc kiểm tra căn cước có thể qua CMND hoặc qua các giấy tờ tùy thân khác có mô tả những đặc điểm về nhân thân của đối tượng do đương sự xuất trình hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ được.

Về các đối tượng bị kiểm tra căn cước trong phiên tòa hình sự:

Trong phiên tòa hình sự, việc kiểm tra căn cước do chủ tọa phiên tòa tiến hành nhằm xác định đúng “những người được triệu tập” để bảo đảm cho việc xét xử được đúng người (đối với bị cáo) và đúng pháp luật (đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác); bảo đảm cho việc xét xử được thuận lợi, Trong thực tiễn xét xử đã xảy ra nhiều trường hợp do chủ tọa phiên tòa không kiểm tra căn cước thận trọng, kỹ lưỡng nên đã xảy ra việc xét xử “nhầm”, khiến cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây nên những phiền phức không đáng có cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tố tụng, việc kiểm tra căn cước không áp dụng đối với tất cả những người tham gia tố tụng mà chỉ được áp dụng đối với “những người được triệu tập”. Đây là “những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên tòa”, được Tòa án ghi rõ trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử và “Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa” (Điều 178, Điều 183 BLTTHS). Thủ tục này cũng được áp dụng tại phiên tòa Phúc thẩm vì thủ tục bắt đầu “phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm” (Điều 247 BLTTHS).

Như vậy, mặc dù việc kiểm tra căn cước chỉ được áp dụng đối với “những người được triệu tập” nhưng không phải tất cả “những người được triệu tập” đều bị kiểm tra căn cước mà chỉ là “những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên tòa” mới bị áp dụng thủ tục này.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 hướngdẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, khi hướng dẫn về Điều 201 của BLTTHS cũng đã nêu rất rõ:

“1.1. Việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập và có mặt tại phiên toà được thực hiện như sau:

A. Đối với bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú); nghề nghiệp; trình độ văn hoá; hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con); tiền án, tiền sự; ngày bị tạm giữ, tạm giam.

B. Đối với người đại diện hợp pháp của bị cáophải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi sinh; nơi cư trú; quan hệ thế nào với bị cáo.

C. Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họphải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trong trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về: tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.

1.4. Đối với người phiên dịch, người giám định, chủ toạ phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên yêu cầu họ phải cam đoan không khai gian dối.”

Như vậy, theo hướng dẫn nói trên, chủ tọa phiên tòa chỉ kiểm tra căn cước đối với bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ và người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức. Nội dung của việc “kiểm tra căn cước” đối với từng loại người tham gia tố tụng cũng đã được Nghị quyết hướng dẫn cụ thể. Nghị quyết 04 không hướng dẫn việc kiểm tra căn cước đối với người bào chữa; người phiên dịch, người giám định, người làm chứng là người thành niên. Nghị quyết chỉ quy định chủ toạ phiên toà phảỉ yêu cầu họ cam đoan làm tròn nhiệm vụ (đối với người phiên dịch, người giám định) hoặc cam đoan không khai báo gian dối (đối với người làm chứng).

Người bào chữa cũng là một trong những người tham gia tố tụng, cũng được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa nhưng không phải là người“được triệu tập để xét hỏi tại phiên tòa”; họ tham gia tố tụng để làm nhiệm vụ bào chữa nhằm “làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”, giúp“người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”… Phạm vi hoạt động của họ khi tham gia tố tụng cũng rộng hơn người phiên dịch, người giám định và mang những yếu tố “đặc thù” so với những người tham gia tố tụng khác. Trước khi tham gia tố tụng, người bào chữa (nếu là Luật sư) đã phải xuất trình đầy đủ các “giấy tờ liên quan đến việc bào chữa” để được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa (khoản 4 Điều 56 BLTTHS) và những giấy tờ này đã được lưu trong hồ sơ vụ án nên người bào chữa không phải là đối tượng để Tòa án kiểm tra căn cước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc yêu cầu người bào chữa (Luật sư) phải xuất trình cả…CMND không chỉ là “thừa” mà còn là việc làm không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chứng chỉ hành nghề Luật sư không phải là “Thẻ căn cước” của Luật sư

Hiện nay, vẫn xảy ra một tình trạng khá phổ biến là ở các co quan tiến hành tố tụng nói chung và ở Tòa án các cấp, các địa phương nói riêng vẫn yêu cầu Luật sư khi đến làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) phải xuất trình thêm Chứng chỉ hành nghề Luật sư (CCHNLS) với lý do “để xác định người đề nghị cấp GCNNBC có phải là Luật sư hay không?”(!)

Theo quy định tại Điều 20 Luật Luật sư thì người được cấp CCHNLS, nếu gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư thì được tổ chức luật sư toàn quốc (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cấp Thẻ luật sư theo đề nghị của Đoàn luật sư. Như vậy, chỉ người được Bộ Tư pháp cấp CCHNLS thì mới có thể gia nhập Đoàn Luật sư và cũng chỉ sau khi gia nhập Đoàn Luật sư, người đó mới được cấp Thẻ Luật sư. Nói cách khác, người không có CCHNLS thì không được cấp Thẻ Luật sư và ngược lại, người đã có Thẻ Luật sư thì đương nhiên phải có CCHNLS.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Luật sư thì “Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa …khi xuất trình đủ giấy tờ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề đối với trường hợp luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư;

b) Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên đối với trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Thẻ luật sư và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó;

c) Thẻ luật sư và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề đối với luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc Thẻ luật sư và văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân để tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng...”

Như vậy, dù hành nghề với hình thức nào thì Thẻ Luật sư (hiện do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp, có ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, số CCHNLS, Đoàn Luật sư … và dán ảnh của người được cấp thẻ) là tài liệu đủ thông tin để “xác nhận căn cước” của Luật sư. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc yêu cầu Luật sư phải xuất trình thêm CCHNLS khi đến làm thủ tục đề nghị cấp GCNNBC cũng là việc làm thừa và không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

 
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân (số 15/ tháng 8-2011)
Tòa án, Giấy chứng nhận người bào chữa
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: