Tin, bài đáng chú ý

CÔNG LÝ ĐẾN VỚI VÙNG XA…

Cập nhật: 26-07-2011 20:59:19

Một vụ án tai nạn giao thông làm chết người do TAND huyện Krông Búk (Đắk Lắk) xét xử Sơ thẩm vừa được TAND tỉnh Đăk Lăk đưa ra xét xử Phúc thẩm. Tòa án cấp Phúc thẩm đã tuyên hủy bản án Sơ thẩm để giải quyết lại từ giai đọan điều tra vì “quá trình giải quyết vụ án ở cấp Sơ thẩm có quá nhiều thiếu sót mà Tòa án cấp Phúc thẩm không khắc phục được”.

Điều đáng nói ở đây là Tòa án cấp Phúc thẩm đã có sự lắng nghe một cách thận trọng và cầu thị ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và bản án đưa ra đã tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của công luận.

Từ chiếc xe “không người lái”…

Trần Thanh Sang (trái) và Trần Thọ Đức từng là bạn thân của nhau. Trước tòa cả hai không nhìn mặt nhau và liên tục đổ lỗi cho nhau về việc điều khiển xe gây chết người - Ảnh: Tr.Tân (Tuoitre)

Theo bản án Sơ thẩm, khoảng 19g ngày 30-4-2010, Trần Thọ Đức và Trần Thanh Sang đi trên xe máy (của Đức) theo hướng thị xã Buôn Hồ về huyện Krông Búk. Đến đoạn trước Trường tiểu học Lê Lợi thì đụng vào xe của L.Q.L. (HS lớp 11) đang đi chiều ngược lại làm L. chết trên đường đi cấp cứu. Trần Thanh Sang bị thương nặng ở vùng bụng (vỡ bàng quang, vỡ ruột non...), thương tích 55%.

Trần Thọ Đức bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, Đức một mực kêu oan mình không lái xe gây tai nạn mà khẳng định Sang mới là người cầm lái, trong khi Sang phủ nhận... Tuy nhiên, Tòa án cấp Sơ thẩm vẫn xử phạt Trần Thọ Đức 03 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 30.710.000 đồng và bồi thường, hoàn trả cho gia đình anh Trần Thanh Sang tổng số tiền là 40 triệu đồng do bị coi là đã có hành vi gây tai nạn làm chết 01 người và làm bị thương nặng 01 người khác (!)

Tòa án cấp Sơ thẩm kết án Trần Thọ Đức dựa trên ba căn cứ sau đây:

Một là: Ông Mai Hồng Hoa, nhân chứng trực tiếp nhìn thấy vụ tai nạn xảy ra khẳng định người trực tiếp điều khiển xe mô tô mặc áo màu vàng;

Hai là: Ngày 14/6/2010, gia đình Sang, Đức đã lập bản cam kết, trong đó thống nhất Sang nhận là người cầm lái, Đức ngồi sau;

Ba là: Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình Đức đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại 18.500.000 đồng .

Sau khi xét xử Sơ thẩm, Trần Thọ Đức đã kháng cáo kêu oan, còn Trần Thanh Sang cũng kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường…

Từ Đăk Lăk, bà Trần Thị Hiền (mẹ Trần Thọ Đức) đã lặn lội ra Hà Nội, tìm đến Công ty Luật Hồng Hà, nhờ LS Phạm Thanh Bình tham gia tố tụng để bảo vệ cho con bà. LS Phạm Thanh Bình đã nhanh chóng “vào cuộc” và chỉ qua mấy ngày nghiên cứu hồ sơ, nhiều “góc tối” của vụ án đã được phơi bày.

Trong bản kiến nghị của mình gửi đến TAND tỉnh Đăk Lăk 07 ngày trước phiên tòa Phúc thẩm và trong bản luận cứ bào chữa cho Trần Thọ Đức trước phiên tòa Phúc thẩm, LS Phạm Thanh Bình đều khẳng định: “Quá trình điều tra vụ án này còn có quá nhiều thiếu sót, thậm chí có biểu hiện vi phạm tố tụng một cách nghiêm trọng nên các căn cứ Tòa án cấp Sơ thẩm dùng để kết án Trần Thọ Đức về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là không có căn cứ vững chắc.”

… Đến những thiếu sót của cấp Sơ thẩm

Về các căn cứ Tòa án cấp Sơ thẩm đã sử dụng để kết án Trần Thọ Đức, LS Phạm Thanh Bình phân tích:

“1. Đối với lời khai của nhân chứng Mai Hồng Hoa

Nhân chứng duy nhất được cho là chứng kiến vụ tai nạn xảy ra - ông Mai Hồng Hoa- đã có 02 lời khai tại cơ quan điều tra (CQĐT) vào các ngày 18/8/2010 và ngày 22/10/2010. Trong cả hai lời khai này, ông Hoa đều khai: “Tôi thấy có hai thanh niên chạy xe môtô chạy từ trong Buôn Hồ ra,do người thanh niên mặc áo màu vàng...điều khiển chở theo sau một thanh niên nữa chạy với tốc độ rất nhanh” và “tôi nhìn thấy người điều khiển xe là người mặc áo màu vàng... trời bắt đầu tối, ánh sáng lúc đó có ánh sáng đèn điện đường, ánh sáng đèn nhà dân và ánh sáng của xe đi đường. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã xác định: Trong buổi tối xảy ra tai nạn, Đức là người mặc chiếc áo màu vàng. Như vậy, trong những lời khai này, Đức đều bị ông Hoa nhận diện là người điều khiển xe mô tô!

Tuy nhiên, ngay trong 02 lời khai của ông Hoa tại CQĐT về việc “người điều khiển xe là một thanh niên mặc áo vàng” cũng chưa hẳn đã đủ độ tin cậy vì các lý do sau đây:

- Vụ tai nạn xảy ra tối 30/4/2010 nhưng gần 4 tháng sau, mãi đến ngày 18/8/2010, ông Hoa mới có lời khai đầu tiên và hơn 02 tháng sau nữa, ngày 22/10/2010, ông Hoa lại có lời khai còn “cụ thể, chi tiết” hơn lời khai trước.

- Vụ tai nạn xảy ra vào lúc trời đã tối, từ trên cột điện, ông Hoa chỉ nhìn thấy người ngồi trên xe thoáng qua dưới ánh đèn điện đường, ánh đèn xe và ánh đèn hắt ra từ nhà dân. Dưới ánh sáng như vậy và không phải là sự quan sát có chủ định từ trước, lại chỉ nhìn thoáng qua vì xe chạy với tốc độ nhanh nên khó có khả năng ông Hoa sẽ phân biệt được người mặc áo vàng ngồi phía trước hay sau xe.

- Nếu xem xét đến cả tình tiết điều tra viên “ghi lời khai rồi đưa tôi đọc để ký, tôi nói tôi không nhìn thấy chữ và bảo họ đọc cho mình nghe thì cán bộ điều tra bảo cứ ký đi, không quan trọng đâu” thì càng khó có thể dựa vào 02 lời khai của ông Hoa tại CQĐT để kết án bị cáo!

Trong khi đó, tại phiên tòa Sơ thẩm và phiên tòa Phúc thẩm, nhân chứng Hoa đã khai lại là ông chỉ “thấy một người mặc áo màu vàng, còn đó có phải là người lái xe không thì tôi không biết”. Như vậy, do lời khai của ông Hoa tại các phiên tòa đều không thống nhất với lời khai ở CQĐT về người cầm lái; việc lấy lời khai của ông Hoa có biểu hiện vi phạm quy định tại Điều 136 BLTTHS nên việc Tòa án cấp Sơ thẩm sử dụng lời khai của nhân chứng này làm chứng cứ buộc tội bị cáo là không có căn cứ .

2. Về bản cam kết lập ngày 14/6/2010 giữa gia đình Đức và gia đình Sang.

Bản cam kết lập ngày 14/6/2010 giữa gia đình Đức và gia đình Sang, trong đó 2 bên thống nhất Sang nhận là người cầm lái, Đức ngồi sau; hai gia đình cùng chịu chung tiền bồi thường… cũng là một căn cứ được Tòa án cấp Sơ thẩm sử dụng để buộc tội bị cáo Trần Thọ Đức. Tuy nhiên, chứng cứ này cũng có nhiều nội dung mâu thuẫn, không hợp lý, chưa được xác minh làm rõ nhưng vẫn được sử dụng làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

Xem xét nội dung của bản cam kết ngày 14/6/2010 giữa hai bên thì thấy hai bên đã thỏa thuận: “Sang nhận là người lái xe, Đức ngồi sau.... hai gia đình cùng lo cho gia đình mất con. Sau khi ra pháp luật, chính quyền Nhà nước, gia đình nhà Đức phải chịu chung với gia đình nhà Sang. Về phần chiếc xe của gia đình bị mất con hai gia đình cùng chịu cho gia đình bên kia. Sau khi ra tòanhà Đức cùng lo cho gia đình nhà Sang”. Như vậy, nội dung cơ bản của bản cam kết này đều thống nhất xác định hai gia đình cùng phải chịu trách nhiệm về mặt vật chất đối với gia đình nạn nhân, đối với tài sản của nạn nhân bị hư hỏng.

Thỏa thuận này rõ ràng là không hợp lý vì giả sử Đức là người cầm lái, gây tai nạn, phía gia đình Sang đã chấp nhận để Sang nhận tội thay Đức – tức là gánh lấy trách nhiệm nặng nhất – thì gia đình Đức sẽ phải đứng ra lo toàn bộ việc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và “lo cho gia đình nhà Sang” mới đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, mặc dù Sang đã phải đứng ra “nhận tội thay” cho Đức mà gia đình Sang lại vẫn phải cam kết cùng gánh chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân (thậm chí gia đình Đức cũng không phải bồi thường nhiều hơn) là không hợp lý; cha mẹ Sang đều là những người bình thường, không thể có việc họ để cho con mình nhận tội thay người khác mà vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Như vậy, việc gia đình Sang tự nguyện ký vào bản cam kết theo hướng để con mình đứng ra nhận tội thay nhưng vẫn chịu chia đôi trách nhiệm là điều hết sức phi lý, không thể xảy ra trên thực tế, trong khi bản thỏa thuận này được lập lại theo ý của gia đình Sang và do chính con gái bà Thể viết để mẹ con Đức ký tên.

Một tình tiết phi lý nữa là hai ngày sau khi lập bản thỏa thuận này, ngày 16/6/2010, bà Thể (mẹ Sang) lại ký nhận vào giấy vay tiền để vay bà Hiền (mẹ Đức) số tiền 5 triệu đồng. Nếu đúng như bà Thể trình bày bản cam kết chỉ là hình thức còn thực chất gia đình bà Hiền hứa sẽ lo toàn bộ cho gia đình Sang thì tại sao bà Thể lại phải vay tiền của bà Hiền? Một người bình thường liệu có thể nhận thức và hành động trái ngược nhau như vậy? Rõ ràng ở đây việc ký bản cam kết giữa gia đình Đức và Sang còn nhiều điều khuất tất chưa được làm rõ”.

Với bản thỏa thuận chứa đựng những nội dung mâu thuẫn, không hợp lý như trên, LS Phạm Thanh Bình cho rằng có cơ sở để tin lời khai của ông Thái, bà Hiền (cha mẹ Đức) về lý do có bản thỏa thuận này. LS phân tích:

Theo Bản tường trình của ông Thái ngày 25/02/2011 (BL189) thì ngày 14/6/2011, sau khi CQĐT triệu tập Sang, Đức lên làm việc về thì hai gia đình có gặp nhau ở nhà Sang. Bố Sang hỏi ai là người cầm lái để lo liệu với gia đình người ta thì Sang nhận “Con là người cầm lái”. Trước việc đó, bố Sang đề nghị bố mẹ Đức giúp một phần kinh phí cho gia đình nạn nhân vì hoàn cảnh gia đình Sang hiện rất khó khăn, hết anh lại đến em gây tai nạn… Xuất phát từ việc cho rằng gia đình cũng có phần trách nhiệm (vì xe gây tai nạn là của nhà Đức) nên mẹ Đức nói cũng sẽ có trách nhiệm với gia đình nạn nhân. Nghe vậy bố Sang yêu cầu “Nếu cô nói vậy thì viết cho chúng tôi mấy chữ để lấy lòng tin”. Mẹ Đức hỏi viết gì thì bố Sang bảo “Chị viết cam kết hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình bị hại, gia đình tôi hiện đang quá khó khăn, việc con tôi cầm lái thì đã rõ” và bản cam kết giữa hai gia đình đã được lập. Tuy nhiên, sau đó, gia đình Sang lại kéo đến nhà Đức đe dọa, đòi viết lại bản cam kết, đưa thêm nội dung cùng chịu trách nhiệm về việc bồi thường chiếc xe cho gia đình nạn nhân. Bản cam kết có trong hồ sơ vụ án là bản viết lại lần 2. Việc gia đình Sang kéo đến nhà Đức đe dọa đã được chị Nguyễn Thị Đường, hàng xóm với gia đình Đức xác nhận trong đơn tường trình gửi Tòa án.

Như vậy, bản cam kết giữa hai gia đình chứa đựng những nội dung hết sức phí lý nhưng Tòa án cấp Sơ thẩm cũng không đi sâu làm rõ, không xem xét, đánh giá tài liệu này một cách khách quan và vẫn sử dụng làm chứng cứ buộc tội bị cáo là không có căn cứ.

3. Về việc gia đình Đức đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại :

Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình Đức đã đến thăm hỏi và tự nguyện đưa cho gia đình bị hại 18.500.000 đồng. Việc đưa tiền cho gia đình nạn nhân – theo đơn kháng cáo bổ sung của Trần Thọ Đức- là do các ĐTV và KSV khuyên “Mặc dù không phải là người điều khiển xe gây tai nạn nhưng là chủ phương tiện cũng nên có một phần trách nhiệm về kinh phí mai táng cho gia đình mất con…” nên gia đình Đức mới đưa tiền. Song dù cho việc đưa tiền là do ĐTV, KSV gợi ý hay do gia đình tự nguyện thì hành vi này của gia đình Đức cũng là hành vi rất nhân văn, đáng ghi nhận. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 46 BLHS thì đây chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội; pháp luật không quy định cũng như thực tiễn xét xử không ghi nhận việc tự nguyện đưa tiền cho gia đình nạn nhân là tình tiết định tội (!) Việc suy đoán tâm lý “Nếu không có tội thì tại sao lại bồi thường” không chỉ không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội trong khoa học luật Hình sự mà còn không phù hợp với quy định tại Điều 64 BLTTHS về chứng cứ.

Mặt khác, nếu coi việc tự nguyện đưa tiền cho gia đình nạn nhân là tình tiết định tội đối với Trần Thọ Đức thì các cơ quan tố tụng sẽ lý giải và đánh giá thế nào về việc gia đình Trần Thanh Sang cũng đã tự nguyện đưa 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân? Phải chăng gia đình Sang biết con trai họ là người gây án nên tự nguyện bồi thường số tiền còn nhiều hơn cả số tiền gia đình Đức đã đưa?

Tóm lại, việc Tòa án cấp Sơ thẩm coi hành vi tự nguyện đưa tiền cho gia đình nạn nhân là căn cứ xác định Trần Thọ Đức phạm tội cũng là không có căn cứ”.

Về việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong vụ án Trần Thọ Đức, LS Phạm Thanh Bình tiếp tục phân tích:

“Tai nạn xảy ra trong khi Đức và Sang cùng đi trên một phương tiện giao thông. Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa Sơ thẩm và trong đơn kháng cáo, Đức đều khẳng định rằng khi tai nạn xảy ra, Đức không phải là người điều khiển xe và gây ra tai nạn. Còn Sang lại có lời khai không thống nhất, lúc thì nhận mình là người cầm lái gây tai nạn, lúc khai chính Đức mới là người cầm lái và gây ra tai nạn. Xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án thì thấy ngoài điểm mâu thuẫn cơ bản nêu trên còn có nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý khác liên quan đến việc xác định trách nhiệm của Đức đối với việc xảy ra tai nạn ngày 30/4/2010 nhưng chưa được làm rõ, do đó việc kết án Trần Thọ Đức càng không có căn cứ vững chắc.

1. Về lời khai của Trần Thanh Sang.

Theo lời khai của Trần Thọ Đức, vào chiều ngày 30/4/2010, sau khi nhậu tại nhà Sang, nhận lời mời của Linh - bạn Sang, Đức và Sang đã đến quán Thủy Cương ở Buôn Hồ để nhậu tiếp. Khi bắt đầu đi thì Đức là người lái xe chở Sang, tuy nhiên trên đường đi do bị vật lạ bay vào mắt nên Đức đã đưa xe cho Sang cầm lái. Đến khi ra về, do Sang vẫn cầm chìa khóa xe của Đức nên Sang đã lấy xe tại nơi gửi xe và tiếp tục chở Đức về, trên đường về đã gây ra tai nạn.

Trong quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa Sơ thẩm, phiên tòa Phúc thẩm, Đức luôn khai theo đúng nội dung trên. Ngược lại với Đức, Sang có nhiều lần thay đổi lời khai, các tình tiết trong lời khai cũng không thống nhất, gây nên sự nghi ngờ chính đáng về tính chân thực trong lời khai của Sang. Tại phiên tòa Phúc thẩm, Sang cũng không thể giải thích nổi những tình tiết bất hợp lý trong lời khai của mình.

Ban đầu Sang khai rằng Đức là người lái xe. Sau đó, Sang lại nhận mình là người trực tiếp điều khiển xe chở Đức ngồi phía sau và gây tai nạn. Lý do được Sang đưa ra để phủ định lời khai trước đó của mình là “vì hoang mang, lo sợ nên tôi không nhận là mình điều khiển xe gây tai nạn” và “do bản thân tôi bị hoảng loạn, lo sợ bị trừng phạt nên không dám nhận (sợ đi tù)”. Điều đáng chú ý là trong những lời khai nhận cầm lái, Sang khai nhiều tình tiết trùng khớp với lời khai của Đức (Ví dụ về tình tiết trên đường đi, đến gần trường tiểu học Lê Đình Chinh, Đức bị con gì bay vào mắt nên đổi lái cho Sang) hay trùng khớp với lời khai của Đức, của nhân chứng Linh (Về tình tiết khi ra về, Sang đang cần chìa khóa xe nên đi lấy xe ra và tiếp tục chở Đức phía sau...). Vậy thì lý giải thế nào về sự thống nhất đến các chi tiết nhỏ này? Chỉ còn khả năng là Sang đã khai thật với những diễn biến đã xảy ra trên thực tế (chứ không phải vì bị tác động bởi bản cam kết)

Tuy nhiên, sau những lời khai nhận trên, Sang lại tiếp tục thay đổi lời khai và cho rằng mình chỉ là người ngồi sau còn Đức mới là người điều khiển xe gây tai nạn, những lời khai nhận điều khiển xe trước đó là do sự nhận thức pháp luật còn hạn chế và do chịu sự áp lực của mẹ mình nên Sang mới khai như vậy (?)

Xem xét các diễn biến trong lời khai của Sang thì thấy: Sang là người đã trưởng thành (23 tuổi) nên có thể nhận thức rõ sự việc và cũng có sự độc lập nhất định trong tính cách. Việc biện minh cho sự thay đổi lời khai liên tục là do chịu sức ép từ mẹ của Sang là điều khó tin. Nếu Sang thật sự không phải là người cầm lái gây tai nạn thì thiết nghĩ Sang sẽ không công nhận điều đó, bởi mặc dù dù bản thân bị “hoảng loạn” nhưng Sang vẫn “lo sợ bị trừng phạt” – tức là vẫn nhận thức được việc nhận tội có thể dẫn đến việc bị đi tù và một người bình thường về thể chất, tinh thần sẽ không bao giờ chấp nhận việc nhận một tội mà mình không thực hiện mà lời nhận tội đó hoàn toàn có nguy cơ dẫn đến việc bị kết án! Chúng tôi cho rằng thái độ khai báo quanh co của Sang là nhằm che đậy sự thật để trốn tránh trách nhiệm.

2. Về lời khai của các nhân chứng:

Ngoài những lời khai của Sang, trong hồ sơ cũng có nhiều chứng cứ khác cho thấy việc quy kết Đức cầm lái là không có căn cứ:

a) Biên bản phiên tòa sơ thẩm có ghi nhận tình tiết bà Thể (mẹ Sang) trả lời HĐXX về việc tại bệnh viện, Sang đã nhận là người điều khiển xe nhưng lại lý giải rằng việc nhận đó là do mẹ Đức và Đức vận động Sang nhận, có gì hai gia đình cùng lo (!) Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy: Sang nằm viện điều trị từ ngày 30/4 đến ngày 11/5. và trong thời gian này, không có ai khai về việc gia đình Đức gặp gia đình Sang để “vận động Sang nhận tội”. Mãi đến ngày 14/6/2010 thì hai gia đình mới gặp nhau để cho ra bản cam kết! Như vậy, sẽ phải lý giải thế nào vể tình tiết Sang nhận mình là người cầm lái ngay khi còn đang nằm viện?

b) Nhân chứng Phạm Đình Lâm khai khi Sang đang nằm viện, Lâm có hỏi Đức thì Đức đã nói “Sang chạy xe gây tai nạn”; còn Sang sau khi ra viện thì Sang nói lúc đó say quá nên không nhớ(!). Tại phiên tòa, một lần nữa Lâm khẳng định điều này. Lời khai này cho thấy Sang đã có ý thức lẩn tránh trách nhiệm ngay từ khi CQĐT còn chưa “vào cuộc”!

c) Nhân chứng Lê Văn Linh có nhiều lời khai về việc thấy Sang chở Đức đến quán nhậu ở Thủy Cương (tình tiết này phù hợp với lời khai của Đức) và lúc ra về, Sang là người dắt xe ra, ngồi lên xe, hai tay đặt lên tay lái nói chuyện với Lâm trong khi Đức vẫn đứng chưa ngồi lên xe, sau đó Sang và Đức về trước. Lời khai này của Linh cho thấy lời khai của Sang về tình tiết “Khi ra về Đức là người dắt xe ra, tôi đi sau, khi ra lên xe và Đức chở luôn” là không có cơ sở để tin!

d) Tại phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng Linh vẫn khẳng định khi đến quán Thủy Cương, Linh nhìn thấy Sang là người cầm lái chở Đức, khi ra về Linh cũng trông thấy Sang là người dắt xe ra. Khi dắt xe ra, Linh có nói chuyện với Sang một lúc, lúc này Sang ngồi trên xe máy nói chuyện với Linh .

Xem xét các lời khai của Linh trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy có sự thống nhất về tình tiết Sang là người chở Đức đến quán và dắt xe ra khỏi bãi xe khi ra về. Mặt khác, giữa Linh và Sang vốn có quan hệ bạn bè từ trước, Linh lại không biết Đức nên lời khai của Linh là khách quan, có cơ sở để tin cậy. Do vậy, nếu đặt lời khai của nhân chứng Linh với lời khai của nhân chứng Hoa tại phiên tòa sơ thẩm và lời khai của Đức để xem xét trong mối quan hệ thống nhất, khách quan thì thực tế cho thấy sẽ hợp lý hơn khi lý giải Sang là người cầm lái khi xảy ra tai nạn.

Tóm lại, nếu căn cứ vào lời khai của các bên và nhân chứng cho thấy vụ án còn rất nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ, do vậy chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Đức là người cầm lái và gây ra tai nạn cho anh Lê Quang Linh.

3. Về các thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án.

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường không mô tả vị trí ngã của Đức, Sang và nạn nhân Linh khi xảy ra tai nạn.

Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường lập vào hồi 20 giờ ngày 30/4/2010 cho thấy cơ quan CSĐT đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ các phương tiện tại vụ tai nạn. Tuy nhiên, trong biên bản này cũng như trong hồ sơ vụ án, chúng tôi không thấy CQĐT mô tả vị trí ngã của Đức và Sang sau khi tai nạn xảy ra.

Theo nhiều lời khai của Đức thì sau khi tai nạn xảy ra, Đức ngồi phía sau bị văng ra cách xe 0.5m còn Sang thì bị kẹt ở trong xe. Nếu CQĐT chú ý đến vị trí ngã của Sang, của Đức khi khám nghiệm hiện trường, xem vị trí này có phù hợp với lời khai của Đức hay không thì sẽ rẩt dễ dàng cho việc xác định ai là người cầm lái.

Tuy vậy, Biên bản khám nghiệm hiện trường chỉ mô tả vị trí của các phương tiện trong vụ tai nạn mà không mô tả vị trí của những người ngồi trên phương tiện gây tai nạn. Đối với vụ án còn nhiều tranh cãi về người điều khiển xe gây tai nạn như vụ án này, việc làm rõ vị trí của các bên sau khi tai nạn xảy ra có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi khám nghiệm hiện trường, các bên đã được đưa đi cấp cứu, nhưng nếu căn cứ vào dấu vết để lại tại hiện trường và lời khai của các nhân chứng, CQĐT hoàn toàn có thể tiến hành dựng lại hiện trường vụ việc để làm rõ vị trí ngã của các bên sau khi tai nạn xảy ra, tuy nhiên đáng tiếc là cơ quan điều tra đã không làm việc này!

b) Về nguyên nhân gây ra thương tích của Sang

Như đã nêu ở trên, Đức khai khi ngã, Đức ngồi phía sau bị văng ra cách xe 0.5m còn Sang thì bị kẹt ở trong xe. Như vậy không loại trừ khả năng do bị kẹt trong xe nên Sang bị tay lái thúc vào bụng dẫn đến bị vỡ nội tạng. Trên thực tế, nếu xem xét tình trạng thương tích của Đức và Sang thì thấy lời khai của Đức là có cơ sở và phù hợp với thương tích thực tế của Đức, của Sang. Như vậy,giả thuyết đưa ra hợp lý nhất là Sang phải là người cầm lái nên mới có các chấn thương như vậy,còn Đức ngồi sau nên co thể sẽ bị thương nặng hoặc chỉ bị thương nhẹ và theo cơ chế vật lý, người ngồi sau thường bị bắn ra khi có va chạm mạnh, thực tế trong trường hợp này Đức chỉ bị xây xát nhẹ.

Tuy nhiên, CQĐT cũng không làm rõ được nguyên nhân gây ra chấn thương vùng bụng của Sang; không tham khảo ý kiến cơ quan pháp y để tìm hiểu về cơ chế gây nên thương tích để qua đó có thể xác định được người cầm lái khi xảy ra tai nạn.

c) Không cho thực nghiệm hiện trường để kiểm chứng lời khai nhân chứng Mai Hồng Hoa

Theo lời khai của ông Mai Hồng Hoa - nhân chứng duy nhất của vụ án- thì tai nạn xảy ra lúc trời đã bắt đầu tối, chỉ có ánh sáng đèn đường, đèn nhà dân và đèn xe đi đường hắt ra nên ánh sáng lúc đó là nhập nhoạng và không rõ ràng. Mắt ông Hoa lại không tinh tường (như lời khai của ông tại phiên tòa Sơ thẩm là “tôi không nhìn thấy chữ ) thì với tầm nhìn xa như vậy (khoảng 20m), có gì bảo đảm chính xác là ông Hoa nhìn thấy người điều khiển xe là người mặc áo vàng? Hơn nữa tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Hoa đã khai là chỉ “thấy một người mặc áo màu vàng, còn đó có phải là người lái xe không thì tôi không biết”. Như vậy, không thể khẳng định chắc chắn là ông Hoa đã nhìn thấy người mặc áo vàng là người cầm lái.

Lời khai của nhân chứng Mai Hồng Hoa là “tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án” nên để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, lẽ ra CQĐT cần tổ chức thực nghiệm hiện trường để làm rõ xem từ khoảng cách đó, trong bối cảnh ánh sáng nhập nhoạng đó thì liệu ông Hoa có khả năng nhìn thấy người cầm lái mặc áo màu gì? Tuy nhiên, cũng rất tiếc là CQĐT đã không làm việc này.

d) Không tiến hành đối chất để làm rõ các mâu thuẫn của vụ án:

Theo quy định tại Điều 138 BLTTHS thì “Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”...và “Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất…”.

Trong hồ sơ vụ án chỉ có một Biên bản đối chất giữa Đức và Sang về tình tiết: Ai là người lái xe gây tai nạn? Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, hồ sơ còn rất nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Để xác định chính xác các tình tiết của sự việc khi xảy ra tai nạn, lẽ ra CQĐT (hoặc VKS cấp Sơ thẩm) cần cho đối chất giữa Linh- Đức và Sang để làm rõ các tình tiết: Ai là người lái xe chạy đến quán Thủy Cương và ai là người dắt xe ra khỏi bãi xe khi ra về? Linh về trước hay về sau Đức+ Sang? Nếu Linh về sau thì tại sao Sang lại khai “Đức là người điều khiển xe mô tô chở tôi về, cách quán Thủy Cương được khoảng 200 mét thì Đức điều khiển cho xe vượt qua xe của Linh, Linh có bấm còi để chào nhau” v.v…?

Ngoài ra, cũng cần cho đối chất giữa bà Hiền (mẹ Đức) và bà Thể (mẹ Sang) để làm rõ tình tiết: Ai là người đặt vấn đề lập ra bản cam kết? Bà Hiền (mẹ Đức) có hứa hẹn gì với gia đình Sang về việc sẽ “lo” cho gia đình Sang không? V.v…

e) Nhiều nhân chứng bị bỏ qua, không được triệu tập để lấy lời khai

Theo lời khai của Đức, của Sang, của Linh thì cuộc nhậu ở quán Thủy Cương có nhiều người tham gia và khi tan cuộc thì “tất cả cùng về”. Tuy nhiên, trong số những người tham gia cuộc nhậu này, CQĐT chỉ lấy lời khai của Lê Văn Linh, còn những nhân chứng khác thì không được triệu tập để lấy lời khai nhằm làm rõ tình tiết: Khi Sang, Đức đến quán Thủ Cương thì ai là người chạy xe? Khi ra về thì ai là người dắt xe ra khỏi bãi? Ai là người chạy xe?

Như vậy, nếu CQĐT (hoặc VKS) cấp Sơ thẩm cho tiến hành các hoạt động tố tụng nói trên thì việc xét xử sẽ bảo đảm được tính khách quan và chính xác.”

Về các thiếu sót của bản án Sơ thẩm, LS Phạm Thanh Bình cũng phân tích rõ:

“Ngoài việc suy diễn, coi hành vi tự nguyện đưa tiền cho gia đình nạn nhân là căn cứ xác định Trần Thọ Đức phạm tội, bản án Sơ thẩm còn có những sai sót sau đây:

a) Tuyên buộc gia đình Đức phải hoàn trả cho gia đình Sang khoản tiền 20 triệu đồng mà gia đình Sang đã tự nguyện đưa cho gia đình nạn nhân.

Nếu theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong Bản cam kết ngày 14/6/2010 thì hai gia đình Sang và Đức cùng tự nguyện xác nhận có trách nhiệm với gia đình nạn nhân. Như vậy, việc gia đình Sang bồi thường cho gia đình nạn nhân 20 triệu đồng cũng là điều hợp lý. Việc làm này lại trên cơ sở sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đã cam kết của gia đình Sang. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại chấp nhận đề nghị của gia đình Sang, tuyên buộc gia đình Đức hoàn trả cho gia đình Sang số tiền 20 triệu đồng đã đưa cho gia đình nạn nhân là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Nếu Tòa án cấp Sơ thẩm coi việc tự nguyện bồi thường của gia đình Sang là “hợp lý” thì tại sao lại không coi việc tự nguyện đưa tiền của gia đình Sang là tình tiết để kết tội Sang, trong khi lại coi việc tự nguyện đưa tiền của gia đình Đức là tình tiết để kết tội cho Đức?

b) Về khoản tiền 20 triệu đồng bồi thường thương tích cho Trần Thanh Sang:

Theo lời khai của bà Huỳnh Thị Thể (mẹ Sang) thì gia đình bà đã làm mất hết hóa đơn chi phí điều trị cho Sang, chỉ còn lại 2 hóa đơn…Mặc dù vậy, Tòa án cấp Sơ thẩm vẫn “ấn định” mức bồi thường, buộc Đức phải bồi thường cho Sang 20 triệu đồng cũng là việc làm thiếu căn cứ pháp lý”.

Tại phiên tòa Phúc thẩm, trước những câu hỏi sắc sảo của Hội đồng xét xử và của Luật sư, những mâu thuẫn do Luật sư phát hiện đã dần được làm rõ. Vị đại diện VKSND tỉnh Đăk Lăk cũng bày tỏ quan điểm đánh giá “Quá trình điều tra vụ án ở cấp Sơ thẩm có quá nhiều thiếu sót”và đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án Sơ thẩm để giải quyết lại từ giai đoạn điều tra.

Trong phần tranh luận, LS Phạm Thanh Bình đã nêu rõ:

“Vụ tai nạn xảy ra tối 30/4/2010 làm chết một người và làm bị thương nặng một người là có thật. Tuy nhiên, với tình trạng hồ sơ vụ án như đã nêu ở trên, chúng tôi nhận thấy việc Tòa án cấp Sơ thẩm kết án Trần Thọ Đức là thiếu căn cứ pháp lý bởi lẽ quá trình điều tra, giải quyết vụ án này còn có quá nhiều thiếu sót về nội dung cũng như về tố tụng, việc kết án Trần Thọ Đức không chỉ có nguy cơ kết án oan người vô tội mà còn gây nghi ngờ và bất bình trong công luận”.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên huỷ án bản án sơ thẩm số 13/2011/HSST ngày 12/05/2011 của TAND huyện Krông Buk để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra nhằm làm rõ người điều khiển phương tiện gây tai nạn trong vụ án này

Mặc dù trước mắt Trần Thọ Đức vẫn còn một chặng đường tố tụng dài nhưng rõ ràng, với những sự thật đã được làm rõ tại phiên tòa Phúc thẩm, việc minh oan cho Đức chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sau phiên tòa, không chỉ thân nhân của Đức mà cả những người dân địa phương đến dự phiên tòa đều tỏ thái độ vui mừng trước diễn biến của phiên tòa cũng như phán quyết của HĐXX. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc “Sao không tuyên thằng Đức trắng án đi cho rồi…?” nhưng mọi người đều thừa nhận: Việc bản án Sơ thẩm bị hủy cũng đã là một thắng lợi lớn của công lý. Một Thày giáo dạy ở trường PTTH Buôn Mê Thuột bỏ cả ngày đến theo dõi phiên tòa cũng đã phải thốt lên “Công lý đã đến với vùng sâu…”

Nhìn đám đông đang vây quanh gia đình Trần Thọ Đức bày tỏ sự hân hoan sau phiên xử, LS Phạm Thanh Bình cũng cảm thấy rất vui… Chí ít thì công sức Luật sư bỏ ra đã đem lại được những niềm vui và niềm tin vào chân lý của những người dân ở miền cao nguyên đất đỏ xa xôi này…

Hoài Nam

 
Nguồn: http://ruoitrau70.violet.vn/entry/show/entry_id/6001223
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: