Nghiên cứu- Tham khảo

CẦN GỠ BỎ CÁC “RÀO CẢN” LUẬT SƯ KHI THAM GIA TỐ TỤNG TỪ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA

Cập nhật: 10-10-2011 08:02:21

Luật sư Nông Thị Hồng Hà

Giám đốc Công ty Luật Hồng Hà

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia tố tụng.

Liên quan đến quyền được bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2004 đã có một số tiến bộ hơn so với BLTTHS 1988. Tuy nhiên nhìn từ giác độ thực tiễn, vẫn còn không ít “rào cản” đối với Luật sư trong việc tham gia tố tụng đặc biệt là trong giai đoạn điều tra. Đã có nhiều bài viết phản ánh, kiến nghị về các biểu hiện “làm khó” Luật sư, một số cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cũng đã ban hành những quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa theo luật định. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, cho đến nay, những hiện tượng “làm khó” Luật sư vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Trong phạm vi bải viết này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến liên quan đến nội dung “cấp giấy chứng nhận người bào chữa” và “gặp bị can đang bị tạm giam”.

1/ Cơ quan điều tra trì hoãn, kéo dài việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTHS thì “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”, song hầu như rất ít trường hợp Luật sư được cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) đúng thời hạn nói trên. Lý do được CQĐT đưa ra thường là do Bưu điện chuyển đến chậm (nếu đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa được gửi đến CQĐT qua Bưu điện) hoặc người có thẩm quyền cấp GCNNBC đi công tác vắng …

Về thủ tục đề nghị cấp GCNNBC: Điều 27 Luật luật sư qui định luật sư chỉ cần 3 loại giấy tờ (đơn yêu cầu được bào chữa, Thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư) để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng CQĐT thường “đòi hỏi” thêm “Chứng chỉ hành nghề luật sư” và “Hợp đồng dịch vụ pháp lý” giữa đương sự và luật sư. Rõ ràng đó là yêu cầu trái qui định của Luật luật sư và để làm khó luật sư khi muốn tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra.

Trong vụ án hình sự, GCNNBC có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với các vụ án có bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Nếu không được cấp GCNNBC, Luật sư không được gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, không được tiến hành các hoạt động tố tụng khác theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ bào chữa. Cũng do có vai trò quan trọng như vậy nên một số trường hợp, GCNNBC được Cơ quan Điều tra sử dụng như một “công cụ” để hạn chế Luật sư tham gia tố tụng. Tại Hà Nội cũng đã xảy ra trường hợp tròn 1 năm sau khi làm thủ tục đăng ký với cơ quan điều tra, luật sư của bị can Mai Văn Dâu (nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại) mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Lúc này, vụ án đã xong giai đoạn điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để ra cáo trạng truy tố.[1]

Ngoài việc trì hoãn, kéo dài việc cấp GCNNBC, nhiều Luật sư còn được Điều tra viên thông báo “bị can từ chối, không mời Luật sư” , thậm chí trong nhiều vụ án nghiêm trọng mà bị can, bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, hay có trình độ học vấn chưa hết cấp 2 cũng viết “giấy từ chối nhờ luật sư” với lý do… có khả năng tự bào chữa, có trường hợp từ chối luật sư vì… quá tốn kém dù trước khi bị bắt, chính bị can đã đến thuê đích danh luật sư đó bào chữa cho mình.[2]

Nhiều luật sư phản ánh rất hay “được” điều tra viên thông báo bị can từ chối luật sư. Thế nhưng khi yêu cầu xem văn bản đó thì điều tra viên viện cớ rằng luật sư chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa, chưa phải là người bảo chữa nên không được xem. Cũng có những trường hợp điều tra viên hứa hẹn với bị can không mời luật sư thì bị can sẽ nhanh chóng được tại ngoại, còn nếu mời thì cứ … giam(?). Thế là nhiều bị can sợ và từ chối luật sư”.[3]

Để khắc phục tình trạng nói trên, chúng tôi đề nghị bổ sung quy định về thủ tục cấp GCNNBC ngay trong BLTTHS đồng thời bổ sung chế tài đối với người có hành vi vi phạm thời hạn cấp GCNNBC; đặc biệt là cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những người tiến hành tố tụng có hành vi tác động đến bị can, bị cáo để họ phải từ chối LS, nhằm ngăn cản Luật sư tham gia tố tụng.

Quyền được bào chữa là quyền hiến định, nhưng khi bị đặt vào cơ chế xin – cho vô hình chung đã làm cho việc thực hiện quyền này trở thành hình thức. Chúng tôi cho rằng cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của CQĐT trong việc giải thích cho bị can biết được họ có quyền yêu cầu Luật sư; có quyền nhận sự trợ giúp về mặt pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có thể có những vụ án, có những bị can không cần sự trợ giúp của luật sư, nhưng trong nhiều trường hợp, việc không được tiếp xúc với luật sư ngay từ giai đoạn điều tra đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính khách quan của quá trình điều tra vụ án.

Việc giải thích cho bị can biết được họ có quyền yêu cầu Luật sư không chỉ là biểu hiện tôn trọng pháp luật, thái độ tôn trọng công dân mà còn là công cụ để hạn chế tối đa tình trạng bị cáo ra trước Toà án phản cung vì cho rằng bị bức cung trong quá trình điều tra. Khi quyền được bảo vệ, bào chữa được thực sự tôn trọng, chắc chắn các vụ án oan, sai sẽ giảm; trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng cũng sẽ được nâng cao, hoạt động đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm sẽ bảo đảm được các nguyên tắc cơ bản quy định tại chương II BLTTHC; các quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng mới được bảo đảm.

2. Về thủ tục vào gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam:

Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có quyền “Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam”. Trên thực tế, luật sư chỉ thực hiện quyền này một cách dễ dàng nếu được CQĐT yêu cầu làm người bào chữa cho bị can là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Đối với các trường hợp khác, việc gặp bị can trong trại giam - đặc biệt trong giai đoạn điều tra - là rất khó khăn.

Để gặp được bị can, bị cáo, trước hết Luật sư phải có Giấy chứng nhận người bào chữa (do CQĐT hoặc VKS hoặc Tòa án cấp). Tuy nhiên, việc lấy đượcGCNNBC đã rất “gian nan” – như đã trình bày ở phần trên – nhưng khi có được GCNNBC rồi thì nếu vụ án ở giai đoạn điều tra, Luật sư còn phải “đợi” Điều tra viên “bố trí” đi cùng thì mới vào được Trại tạm giam. Rồi khi vào Trại tạm giam,thì thời gian cho luật sư gặp bị can tại trại tạm giam chỉ có 60 phút/buổi làm việc – một thời gian quá ngắn không đủ để luật sư trao đổi và xác minh các thông tin liên quan vụ án, khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ cho việc bào chữa... Đã có rất nhiều bài viết phản ánh về những khó khăn của giới Luật sư trong “công đoạn” này, do vậy trong bài viết này, chúng tôi xin chỉ nêu một dạng “làm khó” mới xuất hiện ở một số Trại giam, Trại tạm giam. Đó là việc “đòi” Luật sư phải có Lệnh trích xuất mới cho gặp bị can, bị cáo!

Về thủ tục khi vào gặp bị can, bị cáo trong Trại giam, Trại tạm giam, nhìn chung,Luật sư chỉ phải xuất trình: Giấy chứng nhận người bào chữa (do CQĐT hoặc VKS hoặc Tòa án cấp); Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề Luật sư, Thẻ Luật sư (một số nơi yêu cầu xuất trình thêm Chứng chỉ hành nghề Luật sư) là được giải quyết cho gặp bị can, bị cáo. Các Trại tạm giam như T16 của Tổng cục Cảnh sát, B24 của Tổng cục An ninh, Hỏa Lò (của CA thành phố Hà Nội); Chí Hòa (của Công an TPHCM)… đều chấp nhận các loại giấy tờ nói trên mà không đòi hỏi Luật sư phải xuất trình thêm bất cứ một giấy tờ nào khác.

Tuy nhiên gần đây, có một số Trại tạm giam (ví dụ như Trại tạm giam Kim Chi thuộc Công an tỉnh Hải Dương) lại đưa ra yêu cầu Luật sư, ngoài các giấy tờ nêu trên, còn phải có thêm Lệnh trích xuất của Tòa án mới cho gặp bị can. Khi bị Luật sư chất vấn về việc làm khác thường này, một vị lãnh đạo Trại đã dẫn quy định tại Điều 20 và 21 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/ 11/1998 của Chính phủ và cả Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/ 11/ 1998 (!)

Qua nghiên cứu các quy định vị lãnh đạo Trại tạm giam Kim Chi viện dẫn để từ chối không cho Luật sư gặp bị can, chúng tôi nhận thấy:

Điều 20 Quy chế về tạm giữ, tạm giam (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998) quy định: “1. Việc trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được thực hiện khi có Lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. …”

Điều 21 Quy chế nói trên cũng nêu: “Việc trích xuất được thực hiện một trong những trường hợp sau: …

đ) Cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác;…”

Như vậy, nếu theo các quy định này thì việc đòi hỏi phải có lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền là có căn cứ. Tuy nhiên, tại Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998, Điều 21 của Quy chế này đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Việc trích xuất người bị tạm giam, tạm giữ để tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ trong các trường hợp sau:…

c) Cho gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác; …

2. Ngoài những trường hợp trích xuất quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới đây: …

d) Để tiến hành các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này ở bên trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam. Trong trường hợp đó, Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam căn cứ vào quyết định phân công thụ lý vụ án, văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý cho thân nhân, luật sư, người bào chữa khác, đại diện cơ quan, tổ chức nước ngoài thăm gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam để quyết định đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ ".

Với quy định này, việc “Cho gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khácđược tiến hành ở bên trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam. Trong trường hợp đó, Giám thị Trại tạm giam phải căn cứ vào văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án (ở đây là GCNNBC do cơ quan tiến hành tố tụng cấp) để giải quyết cho luật sư gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam và quyết định đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ mà không phải có lệnh trích xuất vì lệnh trích xuất chỉ sử dụng khi đưa người bị tạm giữ, tạm giam khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam. Vì vậy việc đòi Luật sư phải có thêm Lệnh trích xuấtmới cho gặp bị cáo là không phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự. Hiện tượng này một phần còn xuất phát ở chỗ BLTTHS còn thiếu quy định cụ thể về các thủ tục cần thiết khi Luật sư vào Trại giam gặp bị can, bị cáo.

Từ trường hợp cụ thể nói trên, để hạn chế các biểu hiện gây cản trở đến việc thực hiện các quyền tố tụng của người bào chữa, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo cũng như đến tiến độ giải quyết vụ án; bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong cả nước, chúng tôi thấycần quy định ngay vào trong BLTTHS các điều kiện, thủ tục để Luật sư vào Trại tạm giam gặp bị can, bị cáo nhằm tránh việc các văn bản hướng dẫn luật đưa ra những nội dung không phù hợp với luật hoặc việc vận dụng cắt xén, tùy tiện…của một số những người tiến hành tố tụng.

Hiện nay, chi riêng trong lĩnh vực bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo cũng đang có rất nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế người bào chữa thực hiện các quyền tố tụng của mình. Hy vọng rằng trong dịp sửa đổi, bổ sung BLTTHS tới đây, những “rào cản” đối với Luật sư sẽ được dỡ bỏ, những quy định về quyền và nghĩa vụ của người bảo chữa trong luật sẽ được hiện thực hóa chứ không còn là những quy định mang tính hình thức ./.



[1] Theo bài “Gặp khó, giới luật sư 'tố khổ' với Phó thủ tướng” – VNExpress: (http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2006/08/3B9ECED4/ )

[3] Theo Báo Pháp luật TP.HCM ngày 22/4/2007

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: