Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 06/2005/KDTM-GĐT ngày 15/9/2005 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”

Cập nhật: 23-08-2011 16:51:03

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 06/2005/KDTM - GĐT NGÀY 15-9-2005 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 15 tháng 9 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng dịch vụ (in ấn Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn) giữa:

Nguyên đơn: Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (gọi tắt là Nhà xuất bản); có trụ sở tại số 41 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình Thiêm - Giám đốc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.

Bị đơn: Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn (gọi tắt là Tạp chí Thời trang) có trụ sở tại số 2B Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Ngọc Dũng - Tổng biên tập Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn.

NHẬN THẤY:

Ngày 08-7-2003, Công ty in Lao động - Xã hội (đơn vị sáp nhập thành Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, theo quyết định số 564/2003/QĐ-LĐXH
ngày 07-5-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết, buộc Tạp chí Thời trang thanh toán số nợ gốc và lãi của hợp đồng dịch vụ in ấn Tạp chí Thời trang tính đến tháng 5-2003 là 63.028.600 đồng.

Từ tháng 11-2000 đến tháng 8-2002, Tạp chí Thời trang có ký 13 hợp đồng dịch vụ in ấn tạp chí (hàng tháng 1 kỳ) với Công ty in Lao động - Xã hội (gọi tắt là Công ty in). Tổng giá trị các hợp đồng là 77.526.500 đồng. Trong các hợp đồng có quy định điều kiện thanh toán “....Nếu quá thời hạn thanh toán, số tiền chậm lại sẽ tính theo lãi suất 2% /tháng”.

Tạp chí Thời trang mới trả tiền 02 hợp đồng, còn 11 hợp đồng chưa thanh toán với Công ty in.

Ngày 24-02-2003, Công ty in yêu cầu Tạp chí Thời trang thanh toán nợ tổng số tiền là 52.226.500 đồng.

Ngày 25-02-2003, Tạp chí Thời trang có công văn trả lời số 153/TC đề nghị gặp nhau đối chiếu lại kết quả in ấn và thanh lý hợp đồng.

Ngày 28-02-2003, Công ty in đưa ra các phương án trả nợ, nhưng không nhận được trả lời của Tạp chí Thời trang.

Ngày 26-9-2003, Nhà xuất bản có công văn gửi Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác nhận tư cách pháp lý của Công ty in đòi nợ đã khởi kiện.

Ngày 28-10-2003, Nhà xuất bản có đơn thay thế đơn ngày 08-7-2003 khởi kiện đòi nợ Tạp chí Thời trang thanh toán số tiền 52.266.500 đồng.

Tạp chí Thời trang xác nhận chưa thanh toán một số hợp đồng. Nhiều hợp đồng bị giao hàng chậm, tạp chí in không bảo đảm chất lượng nên nguyên đơn cũng phải chịu phạt. Tổng cộng các khoản tiền đề nghị phạt là 214.600.000 đồng.

Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 10/KTST ngày 20-4-2004, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội đòi khoản tiền chưa thanh toán của hai hợp đồng kinh tế (in tạp chí Mỹ nghệ và Kim hoàn) đối với Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn.

Buộc Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn phải có trách nhiệm thanh toán cho Nhà xuất bản Lao động - Xã hội các khoản tiền sau:

- Khoản tiền nợ chưa thanh toán của 11 hợp đồng in tạp chí là: 52.226.500 đồng.

- Khoản tiền lãi chậm thanh toán (được tính từ ngày 01-3-2003 đến
31-3-2004) là 6.361.187 đồng.

Tổng cộng hai khoản trên, Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn phải trả là: 58.587.687 đồng.

Chấp nhận yêu cầu phản tố của Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn. Buộc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phải trả khoản tiền in lịch Bảo Tín đã nhận là: 5.334.000 đồng.

Đối trừ hai khoản tiền thanh toán trên, buộc Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn phải trả cho Nhà xuất bản Lao động - Xã hội số tiền là 53.253.687 đồng.

Bác các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng kinh tế của Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn nêu ra đối với Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.

Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 28-4-2004, Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do Công ty in không thực hiện đúng các hợp đồng in tạp chí và không có tư cách pháp lý để khởi kiện tranh chấp hợp đồng.

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 157 ngày 16-9-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 10/KTST ngày 20-4-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế.

Ngày 03-12-2004, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản
số 1606/TA-KT đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm số 157 ngày 16-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Ngày 28-01-2005, Nhà xuất bản có đơn khiếu nại đối với bản án phúc thẩm số 157 ngày 16-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại
Hà Nội.

Tại Quyết định kháng nghị số 02/2005/KT-KN ngày 06-6-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm ngày 16-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội với lý do Toà án cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện không phù hợp thực tiễn và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến nhất trí với đề nghị trong bản kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Khoản tiền Công ty in đòi nợ Tạp chí Thời trang là của các hợp đồng in ấn được ký kết trước ngày sáp nhập doanh nghiệp mới. Tuy trong đơn khởi kiện đầu tiên được làm ngày 08-7-2003, là sau ngày có Quyết định số 564/2003/QĐ-LĐXH ngày 07-5-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập thành doanh nghiệp mới là Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, nhưng trong thời gian này doanh nghiệp mới chưa đủ điều kiện có thể hoạt động kinh doanh, tham gia tố tụng tại Toà án. Tháng 8-2003, doanh nghiệp mới được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và đến tháng 9-2003 mới có con dấu để giao dịch. Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận thụ lý đơn kiện do còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (đơn vị mới) sau đó ngày 26-9-2003 cũng công nhận nội dung khởi kiện và tư cách khởi kiện của Công ty in Lao động - Xã hội trước đây. Sau khi có đầy đủ tư cách pháp nhân, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội đã làm đơn ngày 28-10-2003 thay thế đơn khởi kiện ngày 08-7-2003 là đúng thủ tục.

Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào Quyết định số 564/2003/QĐ-LĐXH ngày 07-5-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và căn cứ ngày làm đơn của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội ngày 28-10-2003 để cho rằng đơn khởi kiện này 08-7-2005 của Công ty in không có giá trị pháp lý và đơn khởi kiện của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội đã hết thời hiệu khởi kiện là không đúng.

Mặt khác theo Điều 4 của hợp đồng thì các bên có thoả thuận “...Nếu quá thời hạn thanh toán, số tiền chậm lại sẽ tính theo lãi suất 2%/tháng”. Như vậy, theo điều kiện thanh toán của hợp đồng này thì hai bên chấp nhận có thể thanh toán muộn, nhưng phải trả lãi chậm trả và cũng không quy định thời hạn trả chậm. Với thoả thuận này, thì không thể kết luận đơn khởi kiện ngày 28-10-2003 của Nhà xuất bản là đã hết thời hiệu khởi kiện.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án kinh tế phúc thẩm số 157 ngày 16-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng dịch vụ in ấn Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn giữa Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Công ty in Lao động - Xã hội trước đây) và Tạp chí Thời trang Mỹ nghệ và Kim hoàn.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

____________________________________________

- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

Toà án cấp phúc thẩm xác định đơn khởi kiện của Công ty in Lao động - Xã hội không có giá trị pháp lý và đơn khởi kiện của nguyên đơn đã hết thời hiệu khởi kiện là không đúng.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

Thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ.

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: