Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 13/2005/HĐTP-HS Ngày 01-8-2005 Về vụ án Danh Nhượng phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Cập nhật: 23-08-2011 17:17:52

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 13/2005/HĐTP-HS NGÀY 01-8-2005 VỀ VỤ ÁN DANH NHƯỢNG PHẠM TỘI “CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 01 tháng 8 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Danh Nhượng sinh năm 1959; là người dân tộc Khơme; trú tại khu vực I, phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Danh Chượng (đã chết) và bà Thị Lệ; có vợ và 03 con.
Người bị hại: anh Chao Sol sinh năm 1973; trú tại nhà số 391 khu vực I, phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
NHẬN THẤY:
Danh Nhượng và anh Chao Sol có mâu thuẫn với nhau từ việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Khoảng 16 giờ ngày 02-8-2003, sau khi uống rượu, Nhượng cầm dao (lưỡi dao dài 80 cm, rộng 04 cm) đi đến nhà anh Chao Sol ở cách nhà Nhượng khoản 20m. Nhìn thấy anh Chao Sol đang ngồi cho vịt ăn ở bờ ao, Nhượng tiến đến dùng dao chém trúng vào sườn bên trái và chân trái của anh Chao Sol rồi cầm dao bỏ chạy về nhà, sau đó đến cơ quan Công an khai báo.
Tại Biên bản giám định pháp y số 185/2003/BBPY ngày 25-9-2003, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Cần Thơ kết luận: anh Chao Sol bị thương ở mạn sườn bên trái, sẹo dài 09 cm đã liền; sẹo phần mềm mặt ngoài đùi trái dài 16 cm x 01 cm, màu nâu, đã liền; xương đùi bình thường, đi lại còn hạn chế. Tỷ lệ thương tật là 12%.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 24/HSST ngày 26-4-2004, Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, o, và p khoản 1 Điều 46; điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 610, Điều 613 và Điều 616 Bộ luật dân sự; xử phạt Danh Nhượng 03 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; bị cáo phải bồi thường cho anh Chao Sol 12.176.414 đồng; trợ cấp cho anh Chao Sol mỗi tháng 900.000 đồng kể từ ngày 26-4-2004 cho đến khi chức năng của chân trái của anh Chao Sol được phục hồi.
Ngày 29-4-2004, Danh Nhượng kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị xét lại thời hạn trợ cấp cho anh Chao Sol.
Ngày 06-5-2004, anh Chao Sol kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Danh Nhượng và buộc Danh Nhượng phải bồi thường cho anh thu nhập bị mất trong khoảng thời gian 05 năm, kể từ thời điểm xét xử sơ thẩm và trả làm một lần.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1479/HSPT ngày 23-6-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 2
Điều 104; các điểm b,o và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 610 và 613 Bộ luật dân sự; xử phạt Danh Nhượng 03 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; bị cáo phải bồi thường cho anh Chao Sol: 12.176.414 đồng tiền thiệt hại thực tế đã phát sinh và 54.000.000 đồng tiền thu nhập bị mất trong 05 năm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Danh Nhượng có đơn đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định số 06/2005/HS-TK ngày 31-3-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1479/HSPT ngày 23-6-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ phần quyết định dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm tại bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ phần quyết định dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm tại bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại.
XÉT THẤY:
* Về thủ tục tố tụng:
Anh Chao Sol (người bị hại) là người Campuchia, không sử dụng được tiếng Việt. Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án không cử người phiên dịch cho người bị hại mà chấp nhận chị Thị Lan (vợ anh Chao Sol) phiên dịch cho anh Chao Sol là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự.
* Về các quyết định của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
- Về trách nhiệm hình sự:
Tuy trong quá trình điều tra, xét xử vụ án có những vi phạm về thủ tục tố tụng như đã nêu trên, nhưng không phải là sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quyết định về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã đánh giá đúng tính chất của vụ án, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Việc xác định tội danh và quyết định về mức hình phạt đối với bị cáo của Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật.
- Về trách nhiệm dân sự:
Đối với các khoản tiền thiệt hại thực tế đã phát sinh, tuy Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm có nhận định trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, song trong phần quyết định buộc bị cáo bồi thường tổng số tiền là 12.176.414 đồng là chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của Bộ luật dân sự (cần phải tuyên cụ thể từng khoản bồi thường thiệt hại).
Về khoản trợ cấp mất thu nhập hàng tháng theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự thì trong trường hợp này người bị thiệt hại không được bồi thường khoản tiền này, nhưng Toà án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải trợ cấp cho người bị thiệt hại 900.000 đồng mỗi tháng cho đến khi phục hồi chức năng của chân trái, kể từ ngày 26-4-2004 là không đúng. Khi xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với khoản tiền này, sự vi phạm về thủ tục tố tụng như đã phân tích ở trên đã làm ảnh hưởng đến quyết định về khoản trợ cấp mất thu nhập hàng tháng. Toà án cấp phúc thẩm hoàn toàn không xét hỏi người bị hại mà chỉ hỏi vợ người bị hại (người không được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người tham gia tố tụng trong vụ án) và cho rằng đã có sự thoả thuận giữa bị cáo và người bị hại, nên buộc bị cáo “trợ cấp mất thu nhập hàng tháng 900.000 đồng/tháng với thời hạn 05 năm, phải trả trong một lần là 54.000.000 đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật” là sai lầm. Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu sự thoả thuận đó hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật. Trong trường hợp này giữa bị cáo và người bị hại chưa có thoả thuận, bị cáo chưa biết rõ các khoản tiền mà bị cáo phải bồi thường cụ thể theo quy định của pháp luật và ngay sau khi nhận được bản án phúc thẩm đã có khiếu nại về khoản tiền này. Mặt khác, Toà án các cấp mới chỉ xác định các khoản tiền thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 26-4-2004). Theo tài liệu có trong hồ sơ thì đến thời điểm đó, sức khoẻ của người bị hại vẫn chưa phục hồi bình thường và do đó các khoản thiệt hại (nếu có) sau thời điểm xét xử sơ thẩm chưa được xem xét. Để bảo đảm quyền lợi của bị cáo và người bị thiệt hại cần thiết phải xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật phần trách nhiệm dân sự.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1479/HSPT ngày 23-6-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 24/HSST ngày 26-4-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang về phần quyết định dân sự bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang để xét xử sơ thẩm lại phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm số 1479/HSPT không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng không cử phiên dịch cho người bị hại mà lại chấp nhận vợ của người bị hại phiên dịch cho họ là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự;
2. Đối với các khoản tiền thiệt hại thực tế đã phát sinh, tuy Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm có nhận định trong bản án,nhưng trong phần quyết định buộc bị cáo bồi thường tổng số tiền là 12.176.414 đồng là chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của Bộ luật dân sự (cần phải tuyên cụ thể từng khoản bồi thường thiệt hại).
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
1. Vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về cử người phiên dịch trong vụ án hình sự.
2. Sai sót trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại.
 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: