Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 15/2005/HS-GĐT Ngày 01-8-2005 Về vụ án Tăng Duy Quang phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Cập nhật: 23-08-2011 17:13:37

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 15/2005/HS-GĐT NGÀY 01-8-2005 VỀ VỤ ÁN TĂNG DUY QUANG
PHẠM TỘI “CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH” HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 01 tháng 8 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử hình sự đối với:
Tăng Duy Quang (Bi), sinh năm 1978; trú tại số nhà 162 phố Trần Phú, phường Minh An, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam; làm nghề buôn bán; con ông Tăng Quảng và bà Trần Thị Nở; bị bắt giam từ ngày 30-7-2002 đến ngày 27-01-2003; bị bắt giam lại ngày 15-6-2004; được thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 26-01-2005.
Người bị hại: anh Lê Quang Sang, sinh năm 1972; trú tại 46 Phan Đình Phùng, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.
NHẬN THẤY:
Khoảng 19 giờ ngày 21-5-2002, Tăng Duy Quang, Huỳnh Ngọc Hiếu, Nguyễn Mạnh Tùng cùng 10 người bạn đi bằng 6 xe máy từ đường Trần Phú sang đường Phan Đình Phùng để hát Karaoke. Khi đi đến trước cửa nhà 46 Phan Đình Phùng thì xe máy do Nguyễn Mạnh Tùng điều khiển chở Nguyễn Mạnh Chinh và Nguyễn Vĩnh Nhân đâm vào xe máy do chị Lê Thị Xít điều khiển đang chạy ngược chiều nên cả hai xe máy đều bị đổ xuống đường. Tùng bị thương chảy máu ở mặt nên Quang đỡ Tùng dậy và nhờ người chở Tùng đi Bệnh viện. Hiếu chạy đến định dắt xe máy đang bị đổ dưới đường thì ông Thân Ngọc Anh từ trong nhà chạy ra yêu cầu Hiếu phải giữ nguyên hiện trường chờ công an đến giải quyết và đưa chị Xít đi cấp cứu thì Hiếu không đồng ý nên hai bên cãi nhau và xảy ra xô xát. Hùng là con trai ông Anh đi chơi về thấy sự việc như thế nên lấy 01 chai thuỷ tinh ở quầy bán hàng của chị Nguyễn Thị Ky định đánh Quang và hai bên xô xát. Hùng chạy vào nhà số 46 Phan Đình Phùng lấy một đoạn gỗ dài 01 mét và 01 đoạn sắt dài khoảng 1,2 mét, đường kính 3 cm chạy ra, Thân Ngọc Hưng là em Hùng thấy vậy liền giật đoạn cây gỗ. Trong lúc Hiếu dắt xe của Tùng đi xuống hướng công viên văn hóa thì Hùng và Hưng cầm cây đuổi Quang đến quán bar của anh Trần Văn Triết thì Quang lấy ghế tựa bằng gỗ trong quán ném lại phía Hùng rồi bỏ chạy về hướng công viên văn hoá Hội An. Hiếu dựng xe của Tùng vào vỉa hè rồi vào quán ông Phúc lấy 01 chai thuỷ tinh đập xuống đường và chạy lên giải vây cho Quang nhưng bị Hùng và Hưng cầm gậy đuổi đánh nên Hiếu vứt cổ chai vỡ xuống đường rồi bỏ chạy xuống hướng công viên văn hoá. Lúc này Quang đang đứng trước quán Melody liền chạy ngược lên trước quán ăn ấn Độ, ở phía trước quán có để 01 cây Menu (giá đỡ để bảng thực đơn có chân đế bằng tre hình dấu cộng, thân bằng tre cao 1,1 m, đường kính 08 cm, phía trên là tấm ván có diện tích 40cm x 50cm). Anh Lê Quang Sang (là cháu ông Thân Ngọc Anh) thấy Hùng, Hưng đang cầm gậy đuổi đánh nhau nên chạy ra can ngăn Hùng, Hưng. Khi anh Sang chạy đến vỉa hè gần cây bằng lăng trước quán ấn Độ thì Quang dùng hai tay cầm cây giá đỡ Menu (đoạn 1/3 phía dưới) đánh từ trên xuống dưới, từ trái sang phải trúng vào đỉnh đầu bên phải của anh Sang, làm anh Sang ngã quỵ xuống vỉa hè. Sau đó Quang ném cây giá đỡ xuống đường rồi bỏ chạy xuống hướng công viên văn hoá. Anh Sang được đưa đến Bệnh viện thị xã Hội An để cấp cứu. Tại đây ghi nhận “Vùng đỉnh phải có vết thương hình chữ V, dài 6cm, sâu 0,5cm”. Sau khi sơ cứu anh Sang được đưa đến bệnh viện Đà Nẵng để điều trị thương tích. Tại đây ghi nhận “Dập não, chảy máu vùng trán, thái dương đỉnh phải, vỡ lún xương trán đỉnh phải”.
Tại bản giám định thương tật số 24/GĐPY ngày 09-4-2003, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Quảng Nam kết luận:
- Vùng thái dương đỉnh phải có vết rách da và vết mổ hình vòng cung đã lành sẹo còn đóng vẩy dài 9,8cm, rộng 0,3cm, tương ứng khuyết sọ vùng đỉnh phải gần tròn đường kính 05cm. Tỷ lệ: 22% (Hai mươi hai phần trăm).
- Mặt sau ngoài đoạn 1/3 giữa cánh tay trái có vết xát da không liên tục đã lành sẹo dài 07cm, rộng 5,5cm. Hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, vết thương do vật tầy có cạnh gây nên. Tỷ lệ 02% (Hai phần trăm).
- Mặt ngoài khớp đốt bàn ngón 1 bàn tay trái có vết rách da nông đã đóng vẩy dài 01cm, rộng 0,3cm. Tỷ lệ:01% (Một phần trăm). Tỷ lệ thương tật 25%.
Qua so sánh dấu vết với các loại hung khí gửi đến giám định thì vết thương được tạo thành bởi một vật tày có cạnh (vết rách da hình chữ V), lực tác động đủ mạnh (gây vỡ lún xương hộp sọ). Hung khí là tuýp sắt (vật tày không có cạnh), bảng giá đỡ (vật tày có cạnh ở bề mặt trên, không có cạnh ở phần thân và chân đế) và các mảnh vỡ thuỷ tinh.
Kết luận: So sánh với các loại hung khí thu giữ được gửi đến giám định: Nghĩ nhiều đến bảng giá bằng gỗ vừa là vật có cạnh, vừa là vật được tạo nên một lực đủ mạnh gây vỡ lún xương hộp sọ. Diện tiếp xúc để gây nên tổn thương vùng đỉnh phải là bề mặt góc cạnh bảng giá đỡ bằng gỗ.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 91/HSST ngày 19-8-2004, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Tăng Duy Quang (Bi) 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 24-8-2004, Tăng Duy Quang kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm xét xử đối với bị cáo là không khách quan, không đúng người, đúng tội.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 35/HSPT ngày 26-01-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng điểm c khoản 2 Điều 248; khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm
số 91/HSST ngày 19-8-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam; giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành điều tra lại theo thủ tục chung; thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tăng Duy Quang.
Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 13/QĐ-VKSTC-V3
ngày 31-5-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 35/HSPT ngày 26-01-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do: “Vụ án đã được cơ quan điều tra điều tra lại làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của người có nghĩa vụ liên quan và các nhân chứng, việc bị cáo Quang khai Hiếu cầm chai thuỷ tinh đánh anh Sang là không có cơ sở và đã được làm rõ trong hồ sơ cũng như tại các phiên toà. Điều này cũng được chứng minh tại các lời khai của các nhân chứng; chỉ có một mình bị cáo khai nhìn thấy; Hiếu đánh anh Sang, còn các nhân chứng như anh Thịnh, chị Hằng lúc đầu khai có nhìn thấy Hiếu đánh anh Sang nhưng sau này đã khai lại do mẹ Quang nhờ khai để chạy tội cho Quang. Tại hiện trường, cơ quan điều tra đã thu được một số mảnh vỏ chai vỡ phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Việc bị hại khai có gửi đơn yêu cầu khởi tố tới công an phường cũng đã được cơ quan điều tra làm rõ, điều này còn được thể hiện bằng quyết định số 76/HSPT ngày 05-9-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam huỷ quyết định đình chỉ điều tra của Toà án nhân dân thị xã Hội An cũng như các biên bản xác minh của các cơ quan điều tra sau này. Trong bản án này Hội đồng xét xử còn vi phạm các Điều 243, Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự trong việc thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tăng Duy Quang.
XÉT THẤY:
Việc Toà án cấp phúc thẩm cho rằng lời khai của những người làm chứng không thống nhất nên cần được đối chất, phải giám định vỏ chai mà Tăng Duy Quang khai Huỳnh Ngọc Hiếu đã dùng để đánh vào đầu anh Lê Quang Sang là không cần thiết vì không ảnh hưởng đến việc đánh giá sự thật khách quan của vụ án. Bị cáo Quang dùng cây bảng giá (Menu) đánh anh Sang là có thật. Chính bị cáo Quang khai (tại bút lục số 41 ngày 28-8-2002) đã dùng cây Menu đánh anh Sang từ trên chếch xuống dưới, từ trái sang phải, nhưng không biết trúng vào đâu. Giám định thương tật vết thương trên đầu anh Sang 22% là do bề mặt góc cạnh của bảng giá đỡ bằng gỗ gây nên.
Về hung khí: bị cáo dùng cây bảng giá gỗ có cạnh ở bề mặt trên đánh thẳng vào đầu anh Sang nên phải coi là sử dụng hung khí nguy hiểm. Toà án cấp sơ thẩm kết án Tăng Duy Quang về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Do vậy, việc người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố không ảnh hưởng gì đến việc xét xử của Toà án.
Toà án cấp phúc thẩm nhận định thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết nên quyết định thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tăng Duy Quang là trái với Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự vì: trong trường hợp huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát thụ lý lại vụ án hoặc nếu thấy không cần thiết thì trả tự do cho bị cáo.
Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm lại cần xem xét toàn diện hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và thực tế bị cáo đã bị tạm giam từ ngày 30-7-2002 đến ngày 27-01-2003 và từ ngày 15-6-2004 đến ngày 26-01-2005 để quyết định mức hình phạt phù hợp theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm số 35/HSPT ngày 26-01-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đối với bị cáo Tăng Duy Quang (Bi) và giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
Nhận định của Toà án cấp phúc thẩm về việc cần cho người làm chứng đối chất lại, cần giám định vỏ chai mà các bị cáo đã sử dụng là không cần thiết.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.
 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: