Tin, bài đáng chú ý

Cảnh sát từ chối luật sư vô lý như đùa

Cập nhật: 17-11-2011 10:18:56

Theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Tuyến và ông Nguyễn Văn Đàng (cùng trú tại Khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Công ty Luật Hồng Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cử luật sư Phạm Thanh Bình tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai ông Tuyến, Đàng từ giai đoạn điều tra.

Ngày 04/11/2011, LS Phạm Thanh Bình đã gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa (có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật) đến Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh bằng đường bưu điện (theo phương thức chuyển phát nhanh có ký nhận của người nhận). Được biết ngay buổi chiều ngày 04/11/2011, hồ sơ nói trên đã được chuyển đến Cơ quan CSĐT CA TP Bắc Ninh (có ký nhận).

Công văn "từ chối" luật sư của cảnh sát điều tra Bắc Ninh

Tuy nhiên, cho đến ngày 14/11/2011, Công ty Luật Hồng Hà mới nhận được Công văn số 314/CV ngày 9/11/2011 (dấu bưu điện ngày 11/11/2011) của Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh với nội dung: “Hai tờ giấy yêu cầu luật sư mà Công ty Luật Hồng Hà cung cấp, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Bắc Ninh chưa có cơ sở xác định là của hai bị can Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Văn Đàng”; căn cứ vào lý do trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đã từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho LS Phạm Thanh Bình, yêu cầu Công ty Luật Hồng Hà hoàn chỉnh thủ tục để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định”. (!)

Ngay sau khi nhận được Công văn số 314/CV, LS Phạm Thanh Bình đã hướng dẫn ông Tuyến, ông Đàng viết đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh, nêu rõ việc họ mời LS Phạm Thanh Bình rồi mang ra UBND phường Vũ Ninh xác nhận chữ ký. Cũng trong chiều 14/11/2011, lá đơn này của ông Tuyến, ông Đàng cùng với Công văn số 107/CV-HH.11 của Công ty Luật Hồng Hà về việc bổ sung thủ tục được bỏ chung vào một phong bì rồi chuyển trực tiếp đến CQĐT (có người ký nhận)… Tuy nhiên, sự việc chưa dừng ở đó, chiều ngày 16/11/2011, CQĐT lại báo (qua điện thoại) rằng họ chỉ mới nhận được Công văn số 107/CV-HH.11, còn đơn mời LS của ông Tuyến, ông Đàng bị “thất lạc” nên chưa cấp GCNNBC cho LS được (!)

Có thể thấy việc xem xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) trên của Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh không chỉ vi phạm quy định pháp luật về tố tụng hình sự mà còn mà còn là một hành động “làm khó” đối với luật sư bào chữa cho bị can.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTHS thì “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”. Mới đây, quy định này cũng được Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định rõ tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Chiều ngày 04/11/2011, hồ sơ đề nghị cấp GCNNBC của LS Phạm Thanh Bình đã được chuyển đến Cơ quan CSĐT CA TP Bắc Ninh; thế nhưng đến tận ngày 09/11/2011 tức là 05 ngày sau khi nhận được hồ sơ nói trên, Cơ quan này mới có công văn trả lời về việc xem xét cấp GCNNBC cho luật sư. Việc Cơ quan CSĐT CA TP Bắc Ninh chậm cấp GCNNBC cho LS Phạm Thanh Bình là vi phạm các quy định của pháp luật nói trên.

Mặt khác, lý do mà Cơ quan CSĐT CA TP Bắc Ninh đưa ra để từ chối chưa cấp GCNNBC cho luật sư là “chưa có cơ sở xác định hai tờ giấy yêu cầu luật sư là của hai bị can Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Văn Đàng” cũng là lý do hết sức “vô lý” và chỉ mang tính hình thức.

Trước đó, hai bị can của vụ án đều đang tại ngoại, cảnh sát cũng đã triệu tập bị can đến làm việc và cả hai bị can đều khai họ đã mời LS Phạm Thanh Bình làm người bào chữa cho mình. Như vậy, CQĐT “đã biết được” hai bị can Nguyễn Văn Đàng và Nguyễn Văn Tuyến yêu cầu LS Phạm Thanh Bình làm người bào chữa; trong trường hợp cho rằng hai giấy mời LS không phải do ông Tuyến, ông Đàng ký tên thì việc xác minh đâu có gì khó?

"Nếu cho rằng hai giấy mời luật sư đó không phải của ông Tuyến, ông Đàng ký thì ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, CQĐT cần xác minh hoặc trưng cầu giám định chữ ký ở hai giấy yêu cầu luật sư này. Rồi việc LS gửi bổ sung 2 văn bản cùng một phong bì, CQĐT nói chỉ nhận được một cũng là hiện tượng rất không bình thường", LS Phạm Thanh Bình phản biện.

Không những thế, việc Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh kéo dài thời gian yêu cầu bổ sung hồ sơ xin cấp GCNNBC cũng là việc không bình thường. Ngày 04/11/2011 Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh nhận được hồ sơ xin cấp GCNNBC của luật sư nhưng phải đến sau 05 ngày (quá thời hạn quy định 02 ngày) Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh mới có công văn trả lời, yêu cầu bổ sung hồ sơ xin cấp GCNNBC. Công văn số 314/CV được ký ngày 09/11/2011 nhưng theo dấu bưu điện trên phong bì thì ngày 11/11/2011 công văn này mới được gửi đi (!).

Có thể thấy Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đang cố ý kéo dài thời gian cấp GCNNBC cho luật sư. Không biết sau vụ giấy mời này, Luật sư sẽ còn bị yêu cầu “bổ sung” thêm những thủ tục gì nữa? Có thể cuối cùng thì Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh cũng sẽ cấp GCNNBC cho luật sư, nhưng chắc sẽ còn chậm trễ…

"Hy vọng rằng giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh sẽ “để mắt” đến những hiện tượng “làm khó” như thế này để GCNNBC cấp cho luật sư không chỉ là một tấm giấy mang tính hình thức, không phù hợp với quy định của pháp luật", LS Phạm Thanh Bình kiến nghị.

> Đọc thêm: CSĐT Bắc Ninh gây khó cho luật sư Trần Việt Hùng

Bài viết sử dụng tư liệu của Công ty Luật Hồng Hà

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: