Tin, bài đáng chú ý

Lừa dối khách hàng bị phạt đến 30 triệu đồng

Cập nhật: 03-05-2012 21:59:57

Nghị định 19/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5. Theo đó, mức phạt tiền tối đa là 70 triệu đồng.

Ông Võ Lê Bích Đồng, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương TP.HCM, cho biết:

Từ tháng 7-2011 đến nay, Sở giải quyết 12 hồ sơ do Hội Bảo vệ NTD chuyển sang, hầu hết là hòa giải thành. Ví dụ trường hợp NTD làm răng hết 15 triệu đồng nhưng răng bị vỡ, NTD khiếu nại về chất lượng dịch vụ. Sở mời phòng khám nha khoa lên hòa giải. Phòng khám đồng ý hoàn lại 11,5 triệu đồng, NTD đã đồng ý.

Bên cạnh đó, có một vụ việc hòa giải không thành. Công ty M. đặt hàng Công ty V. in áo thun. Sau khi nhận hàng, Công ty M. cho rằng sản phẩm không đạt chất lượng, yêu cầu Công ty V. giảm giá nhưng Công ty V. không đồng ý. Sở hướng dẫn hai bên nhờ tòa án giải quyết tranh chấp.

Có hai vụ việc doanh nghiệp (DN) không đến giải quyết. Một người mua điện thoại di động ở cửa hàng Thanh Tú Mobile và một người mua xe tải của Công ty TNHH TM&DV Trường Lộc. NTD khiếu nại về chất lượng. Sở gửi thư mời ba lần mà DN không đến làm việc. Sở sẽ nghiên cứu xử lý hai trường hợp này.

. Chẳng lẽ không có biện pháp nào xử lý DN không tích cực hợp tác và bỏ rơi khách hàng hay sao, thưa ông?

+ Thời gian qua, khi DN không đến, không hợp tác giải quyết thì Sở tư vấn NTD khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi.

Kể từ ngày 1-5, với Nghị định 19, nếu DN không hợp tác, mời mà không chịu đến, yêu cầu mà không giải trình thì Sở sẽ xử phạt theo Điều 23. Cụ thể là “phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tổ chức xã hội không giải trình hoặc không cung cấp thông tin, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD”.

. Nghị định 19 còn mang lợi ích nào nữa cho NTD?

+ Trước đây, khi xử lý các vụ khiếu nại của NTD, Sở nhận thấy DN có các hành vi như quảng cáo lừa dối NTD, không cung cấp đủ thông tin về sản phẩm, không bảo hành kịp thời… nhưng chưa có quy định để xử phạt.

Từ ngày 1-5, Sở sẽ áp dụng Nghị định 19, phạt 20-30 triệu đồng nếu DN quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD (Điều 6); phạt 10-30 triệu đồng nếu DN cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ (Điều 8); phạt 5-10 triệu đồng nếu DN không cung cấp cho NTD hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc không có hình thức giải quyết khác được NTD chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành (Điều 18)…

. Như vậy, khi bị xâm hại quyền lợi (như không được cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản; không được DN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hàng hóa, dịch vụ…), NTD có thể gửi đơn đến Sở Công Thương?

+ Như tôi đã nêu ở phần trên, NTD có thể tìm đến các hội, hiệp hội bảo vệ NTD. Các tổ chức này thường xuyên tư vấn, hỗ trợ NTD bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra, Phòng Xuất nhập khẩu và Xúc tiến công thương của Sở cũng tiếp nhận đơn thư của NTD và giải quyết vụ việc. Trong từng vụ việc, nếu DN có hành vi vi phạm thì Thanh tra Sở xử lý vi phạm.

Khi xử lý, Sở thường mời các cơ quan quản lý chuyên ngành tham gia. Ví dụ, mời đại diện Sở Y tế tham gia trong vụ nha khoa nói trên. Hoặc mời Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia vụ tranh chấp chất lượng lô hàng áo thun. Hầu hết các vụ việc đều có mặt Chi cục Quản lý thị trường để xem xét nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn, chứng từ…

Để thẩm quyền xử phạt được rõ ràng hơn, Sở đã kiến nghị UBND TP giao cho Phòng Công Thương (thuộc UBND quận, huyện) xử lý những vụ việc có giá trị dưới 10 triệu đồng, nội dung tranh chấp đơn giản. Trường hợp vụ việc có giá trị trên 10 triệu đồng, nội dung phức tạp, liên quan đến NTD ở nhiều quận, huyện thì Sở Công Thương xử lý.

. Xin cảm ơn ông.

Quấy rối bị phạt 10-20 triệu đồng

. Nhiều người phản ánh họ thường xuyên bị các cá nhân gọi điện làm phiền, chào mời mua bảo hiểm hoặc mời vay tiền. NTD có thể khiếu nại việc này bằng cách nào?

+ Ông Võ Lê Bích Đồng: NTD có thể giữ lại số điện thoại gọi đến, ghi chú về ngày, giờ gọi, ghi chú lại tên nhân viên, tên DN mời chào để làm bằng chứng khi phản ánh sự việc. Hành vi quấy rối NTD có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng theo Điều 22 Nghị định 19.

QUỲNH NHƯ thực hiện

 
Nguồn: phapluattp.vn
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: