Tin, bài đáng chú ý

Nếu tái thẩm, người được lợi sẽ là các thẩm phán

Cập nhật: 04-11-2010 17:54:53

Báo Lao Động năm 2009 đã đăng loạt bài điều tra: “Đánh trống kêu oan trước cửa nhà sấm”. Sau khi báo đăng, Viện KSND Tối cao đã xem xét, ra quyết định kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, trả tự do cho 3 thanh niên bị kết án oan.

Từ ngày Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra quyết định kháng nghị đến nay đã gần một năm nhưng phiên toà giám đốc thẩm vẫn chưa diễn ra. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nông Thị Hồng Hà và luật sư Phạm Thanh Bình (Cty luật Hồng Hà - đoàn luật sư TP.Hà Nội) - những người đã bảo vệ cho ba thanh niên này trong các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm 10 năm về trước về vấn đề này.

LS Nông Thị Hồng Hà
LS Nông Thị Hồng Hà.

Ba thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên đến nay vẫn đang chờ đợi quyết định giám đốc thẩm minh oan cho họ. Vậy, thời hạn xét xử giám đốc thẩm được quy định pháp luật như thế nào?

- LS Nông Thị Hồng Hà: Theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn giám đốc thẩm thì “Phiên toà giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị”. Ngày 26.1.2010, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tuyên các bị cáo Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên không phạm tội “cướp tài sản” và tội “hiếp dâm”, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án đối với Lợi, Tình, Kiên. Tuy nhiên cho đến nay, đã gần một năm vẫn chưa có quyết định của phiên toà giám đốc thẩm. Như vậy là vi phạm các quy định của BLTTHS.

Hiện nay ở TAND Tối cao có quan điểm: Vụ án này cần phải được kháng nghị và xét xử theo thủ tục tái thẩm, luật sư có ý kiến gì về quan điểm này?

- LS, Th.S Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại các điều 272 và 290 BLTTHS thì tính chất của thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm hoàn toàn khác nhau. Cả hai thủ tục đều hướng tới chung một mục tiêu là sửa chữa lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm. “Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”.

Trong vụ án Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên bị kết án về tội “cướp tài sản” và tội “hiếp dâm”, hoàn toàn không có bất cứ một tình tiết nào mới được phát hiện có thể “làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”. Những nội dung được nêu trong kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao đều là những tình tiết đã có trong hồ sơ vụ án, đã được chúng tôi phát hiện và nêu rõ ngay trong các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm. Toàn bộ hồ sơ của Viện KSND Tối cao đã rất rõ ràng, vì vậy, không có cơ sở nào để kháng nghị và xét xử vụ án này theo thủ tục tái thẩm.

Điều 272 BLTTHS nêu rõ “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”. Những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án đó không chỉ là “Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ” mà còn là “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” (khoản 1 và khoản 2 Điều 273 BLTTHS). Vì vậy, chúng tôi cho rằng kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao đặt vấn đề giải quyết lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.

Nếu vụ án được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm thì sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý gì? Vậy ai là người “được lợi” nếu tái thẩm?

- LS, Th.S Phạm Thanh Bình: Nếu vụ án bị giải quyết lại theo thủ tục Tái thẩm thì hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm sẽ bị hủy; Tình, Lợi và Kiên sẽ không được TAND Tối cao tuyên ngay là không phạm tội; vụ án sẽ được đưa trở về điểm xuất phát là “điều tra lại”, thời gian chờ đợi được minh oan của ba thanh niên Tình, Lợi và Kiên sẽ tiếp tục kéo dài... Còn người “được lợi” nếu tái thẩm thì đương nhiên sẽ là những người tiến hành tố tụng vụ án này hồi đó - nhất là các thẩm phán đã xét xử vụ án này - vì họ sẽ được coi là không có lỗi “vì có những tình tiết mới được phát hiện” mà họ đã “không biết được khi ra bản án” .

- Xin cảm ơn hai luật sư.

Chí Tùng (thực hiện)

 
Nguồn: laodong.com.vn
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: