Tin tổng hợp

9 triệu người có thể bị ảnh hưởng từ Quỹ tiết kiệm nhà ở

Cập nhật: 26-12-2010 00:00:00

Thông tin về việc Bộ Xây dựng đề xuất lập Quỹ tiết kiệm nhà ở với mục đích cho những người thu nhập thấp vay với lãi suất thấp để mua nhà đã khiến hàng triệu người hiện đang phải sống cảnh "thuê nhà ở đậu" mừng vui. Thế nhưng khi "mổ xẻ" những nội dung trong đề án này, nhiều người đã tỏ ý băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu đề xuất có khả thi vì còn quá nhiều vấn đề chưa sát với thực tế; chưa nói đến việc đề xuất này ảnh hưởng tới túi tiền của hàng triệu người làm công ăn lương.

"Bảo hiểm xã hội" thứ 2?

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Quỹ tiết kiệm nhà được lập để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân trong tình cảnh giá bất động sản đang leo thang chóng mặt. Cơ quan này dự kiến, quỹ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến khoảng 1 - 2% tiền lương hàng tháng của người lao động. Quỹ sẽ hỗ trợ những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Riêng những người không có nhu cầu mua nhà, khi về hưu sẽ được rút toàn bộ số tiền đóng góp cộng với lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá.

Trao đổi với PV ĐS &PL, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ là cầu nối giúp cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp có nhiều cơ hội được mua nhà". Thứ trưởng Nam cũng cho rằng, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hàng năm quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể cải thiện chỗ ở cho người dân.

Khi được hỏi về những quy định cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở đề xuất ban đầu nên những thông tin sâu hơn chưa thể trao đổi với báo chí.

"Chưa ổn" dưới khía cạnh pháp lý

Nhìn nhận sự việc ở khía cạnh pháp lý, luật gia Khuất Duy Hiệp, Trung tâm Tư vấn Pháp lý Thăng Long - Hội Luật gia Việt Nam cho rằng quy định này đã phạm luật. ông Hiệp nói: "Dự thảo này nếu bắt buộc sẽ trái với quy định của Nhà nước. Nếu lập ra Quỹ tình thương hay bất kỳ quỹ gì dưới sự đóng góp tự giác của người dân thì hoàn toàn hợp pháp chứ lập ra Quỹ tiết kiệm nhà ở dựa trên tiền lương là không được". Theo ông Hiệp, nếu đó là dạng Quỹ tình thương được đóng góp trên tinh thần tự nguyện của cán bộ, công nhân viên để giúp đỡ những người nghèo hoặc những trường hợp khó khăn thì có thể khả thi, chứ nếu là dạng bắt buộc thì chắc chắn sẽ nhận được sự phản ứng từ nhiều người lao động.

Ông Hiệp đặt vấn đề: "Có khi người ta nộp tiền vào đó, đến khi về hưu người ta không có nhu cầu mua nhà thì tiền đó biết làm gì? Dù tiền đó được trả lại nhưng sau hàng mấy chục năm mà chỉ nhận được một khoản lãi tượng trưng thì người đóng góp có thiệt thòi quá hay không?".

Luật gia này nhận định: "Nếu được chấp nhận, có thể quỹ này sẽ tạo kẽ hở cho một số kẻ trục lợi dùng quỹ đó sử dụng không đúng mục đích. Còn với những người nghèo, biết bao giờ họ mới có thể nộp đủ tiền để mua được nhà".

Người dân băn khoăn

Trước nội dung của đề xuất này, nhiều người dân đã có những ý kiến băn khoăn. Theo ông Lê Văn Dư (ngụ Ninh Bình): Trước đó Nhà nước có nhiều chương trình như nhà ở xã hội... mà đều dành ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng. Nhưng cuối cùng vẫn chỉ là doanh nghiệp được lợi chứ không phải là người lao động, người có thu nhập thấp. Doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận là hàng đầu vì thế họ sẽ tìm cách cắt giảm chi phí khác trong đó có chất lượng công trình và người chịu thiệt vẫn là người được mua nhà. "Quỹ tiết kiệm nhà ở này cũng không khác gì so với các chương trình nhà ở trước đây, dành một phần để ưu tiên doanh nghiệp (tức là bên cung). Như vậy, ai mới thực sự được hưởng lợi từ những dự án này?", ông Dư đặt câu hỏi.

Anh Lê Thanh Hải (cán bộ Công ty Cổ phần Giáo dục UNET, quận Đống Đa, Hà Nội) đặt vấn đề nghi ngại: "Chúng tôi đã cóỏ nhà ở và không có nhu cầu về nhà thì không thể bắt buộc chúng tôi phải trích lương đóng hàng tháng. Tiền lương của mình, chúng tôi có thể sử dụng để làm những việc khác như kinh doanh, gửi ngân hàng... chứ không nhất thiết phải đóng vào Quỹ tiết kiệm nhà ở để về hưu được rút cả gốc lẫn lãi. Vì vậy, Bộ Xây dựng phải xem xét lại ý tưởng nêu trên".

Bà Phạm Thị Thanh (A11, TT Thanh Xuân Bắc - Thanh Xuân, Hà Nội) thì nhận định: "Tôi được biết ở nước ngoài cũng có mô hình tương tự nhưng giá nhà ở so với thu nhập không chênh nhau nhiều. Còn ở nước ta, lương đã thấp, giá nhà lại cao thì trích lương đến bao giờ mới đủ mua. Tôi ủng hộ chuyện việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở nhưng phải có những quy định mang tính khả thi hơn".

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam:
“NÊN LÀ QUỸ TỰ NGUYỆN”

ĐS&PL đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam về đề xuất thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng. ông Phạm Sỹ Liêm cho biết:Trước đây, chúng ta đã có chủ trương lập Quỹ phát triển nhà ở, đã có quy định quỹ ấy để xây nhà công vụ. Nhà đầu tư vay tiền từ quỹ ấy xây dựng nhà giá rẻ, bây giờ lại thêm Quỹ tiết kiệm nhà ở thì tôi băn khoăn có sự trùng lặp gì với Quỹ Phát triển nhà ở hay không?

Không nên là quỹ bắt buộc

Theo ông được biết thì ở nước ngoài đã có mô hình quỹ này hay chưa?

Dạng quỹ này ở Singapore gọi là quỹ Công tích, trong đó người lao động và người sử dụng lao động trích một tỷ lệ phần trăm lương để thành lập. Khi anh tích góp được phần trăm nhất định, thường là 20% - 25% giá trị căn hộ muốn mua thì anh được dùng tiền ứng ra vay từ quỹ đợt đầu để mua trả góp căn hộ. Sau đó, người mua nhà sẽ phải tiếp tục góp vào quỹ một số năm nữa.

Với quan điểm anh không cần nhà, thì đây cũng coi như một quỹ tiết kiệm lấy lãi chứ không phải góp vào thì mất. Hơn nữa, anh không cần thì con cái anh cần mua nhà. Hoặc anh tích được giá trị tương đương của ngôi nhà định mua có thể quyết định đổi lấy ngôi nhà to hơn, rộng hơn. Đấy là mô hình của Singapore, Hồng-Kông, sau này đến Thượng Hải và một số thành phố khác của Trung Quốc cũng học tập. Dần dần, Chính phủ Trung Quốc quyết định áp dụng phổ biến trong cả nước sau nhiều lần rút kinh nghiệm.

Nhưng nhiều người lao động cho rằng Quỹ nhà ở bản chất là sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nên không thể dùng khái niệm "bắt buộc" đối với họ?

Ở Trung Quốc, việc góp tiền cũng là tự nguyện, chứ không phải là bắt buộc. Singapo và Hồng Kông thì khác, dễ làm hơn vì ở đấy đất chật người đông, thời kỳ trước lại chủ yếu là nhà ổ chuột. Chính vì thế, khi họ làm đồng loạt thì cả nước hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng áp dụng mô hình ấy với những nước lớn với các đô thị khác nhau thì phải tính đến nhiều yếu tố không đồng nhất.

Ở Việt Nam, nếu bắt buộc trích 1-2% lương của cán bộ công chức góp vào quỹ này thì không ổn. Thực tế, hiện nay nhiều người có nhà rồi, có người có nhà cả mấy trăm mét vuông, 4-5 tầng nên họ không có nhu cầu, giờ bắt người ta phải đóng quỹ thì họ sẽ phản đối.

Nghĩa là ông không đồng tình với ý tưởng ra đời của Quỹ này?

Tôi vẫn khẳng định quỹ là tốt nhưng nên thành lập quỹ đóng góp tự nguyện. Làm thế nào để những người cần nhà có thể đóng góp để thay đổi chỗ ở tốt hơn. Hiện nay, những người chưa có chỗ ở chủ yếu là thanh niên, những người mới lập gia đình, những người di chuyển công việc từ nơi này đến nơi khác... nhưng không phải ai cũng cần cấp bách. Phải xây dựng quỹ cho từng đô thị chứ không thể làm quỹ cho toàn quốc. Làm sao có thể lấy tiền của người ở TP. Hồ Chí Minh cho người Hà Nội vay được. ở đâu phải lo tiết kiệm ở đấy để giải quyết nhà cho địa phương mình. Bởi lẽ thị trường bất động sản là thị trường địa phương, giá cả không giống nhau nên tỷ lệ đóng góp cũng không giống nhau, tỉnh nhỏ có thể khác, tỉnh lớn có thể khác. Vấn đề này, áp dụng kinh nghiệm của người ta nhưng phải hết sức sáng tạo và phù hợp tình hình của nước mình thì mới có tính khả thi cao.

Tôi nghĩ, trước mắt nên làm thí điểm ở một số thành phố, chẳng hạn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Khi tích luỹ được kinh nghiệm thì mở ra ở một số tỉnh, thành cấp bách về nhà ở. Sau đó lại rút kinh nghiệm mới mở rộng ra toàn quốc.

Những nguời có thu nhập cao thì họ đã có nhà to rộng rồi, còn người thu nhập ở mức 4-5 triệu đồng /tháng, mỗi tháng trích 1-2% lương thì đến bao giờ mới đủ điều kiện (bằng 20% giá trị căn hộ) để được mua nhà?. Bởi nhà ở các tỉnh, thành phố trung tâm lại rất đắt?

Nói như vậy cũng đúng vì có người cả đời đi làm, đóng quỹ cũng chẳng được mua nhà, trong khi họ mới thực sự là đối tượng cần được thụ hưởng chính sách nhà xã hội.

Có ý kiến phàn nàn rằng, các chương trình nhà ở cho người lao động thường ưu tiên nhiều cho doanh nghiệp tham gia xây dựng. Thực chất người mua nhà lại không được hưởng lợi từ việc hỗ trợ này. ông nghĩ sao về ý kiến nêu trên?

Quỹ nhà ở thực chất là mang tính giúp đỡ, có thể là giúp đỡ cho bên cung, cũng có thể là bên cầu. Tuy nhiên, Quỹ phát triển nhà ở là nhằm giúp đỡ cho bên cung, lâu nay các chính sách của chúng ta cũng là ưu đãi cho bên cung như giảm giá đất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giúp cho bên cung có nhược điểm là không chắc sự giúp đỡ ấy có thể đến được với người mua (bên cầu). Cho nên ở các nước người ta chủ yếu giúp đỡ cho bên cầu. Ví dụ ở Mỹ họ đưa cho anh một cái phiếu, dùng cái phiếu ấy đi mua nhà. Khi anh đưa cho bên bán, phiếu ấy sẽ có giá trị như số tiền anh bỏ ra. Lúc anh mua nhà anh đã có vật thế chấp, nên họ không sợ bị mất tiền. Nếu anh không trả được, họ thu hồi nhà phát mại và trừ nợ. Còn ở Việt Nam thì làm ngược lại. Giúp cho bên cung là anh muốn nó đến bên cầu. Nhưng bên cầu lại không dễ gì nhận được. Trường hợp người mua nhà ở thu nhập thấp là một ví dụ, nhà có đấy mà không bán được, vì rất nhiều thủ tục rắc rối.

Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn: Đời sống & Pháp luật
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: