Tin tổng hợp

Khắc khoải với luật

Cập nhật: 01-01-2012 20:30:03

Pháp luật Việt Nam có tính thay đổi quá nhanh và lần nào cũng với tinh thần sửa đổi "toàn diện" khiến giới kinh doanh không kịp trở tay, nhà đầu tư nước ngoài than.

Bài viết là ghi nhận của tác giả từ quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về những điểm cần cải thiện trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Mời bạn đọc cùng góp ý và tranh luận.

Cuối năm, các tổ chức nước ngoài đưa ra những nhận định rất quan ngại về môi trường đầu tư Việt Nam và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này. Có thể kể đến như World Bank đánh tụt Việt Nam 8 bậc trong thứ bậc về môi trường kinh doanh nói chung.[1] Trong thông cáo báo chí về việc công bố Sách trắng năm 2012 về thương mại, đầu tư và các khuyến nghị, Eurocham nói rằng niềm tin của các doanh nghiệp Châu Âu vào môi trường kinh doanh Việt Nam đã giảm đều từ đầu năm 2011.[2] Báo cáo khảo sát của Grant Thornton về đầu tư trong lĩnh vực M&A trong quý IV năm 2011 cũng đưa ra những con số bi quan như 51% số người được khảo sát tỏ ra bi quan vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2012, tăng 30% so với khảo sát hồi tháng 5. Số người lạc quan về triển vọng kinh tế giảm từ 53% xuống còn 17%. Liên quan đến chỉ số về địa điểm hấp dẫn đầu tư, chỉ có 38% số người được khảo sát cho rằng Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn (giảm 16%).[3]

Mấy lý do cơ bản mà nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra về nguyên nhân mất niềm tin của mình bao gồm sự bất ổn kinh tế vĩ mô thể hiện ở tỷ lệ lạm phát cao, vấn đề tỷ giá và những rào cản trong kinh doanh như khó khăn tiếp cận thị trường, tệ nhũng nhiễu của nhân viên thực thi và thủ tục hành chính.

Không kịp trở tay

Việt Nam có thể trở thành một Singapore thứ hai hay trở nên một nước lạc lõng, tất cả đều do vấn đề chính sách và con người. Trên thực tế, pháp luật Việt Nam có tính thay đổi quá nhanh và lần nào cũng với tinh thần sửa đổi "toàn diện" khiến giới kinh doanh không kịp trở tay. Ví dụ gần nhất là dự định sửa đổi 16 luật cơ bản về dân sự và thương mại dù phần lớn trong số đó mới được ban hành trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây. Những quy định về xuất nhập khẩu, quản lý ngoại hối hay tín dụng thì có thể được thay đổi bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, một số văn bản pháp luật thì vừa ra đời thì đã "chết" ngay tức khắc. Có thể kể đến như Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 4/1/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ. Doanh nghiệp chỉ biết chịu trận chờ văn bản hướng dẫn (chưa biết đến khi nào) hoặc phải 'lách' cách này cách kia, gây thêm các chi phí không cần thiết cho các bên liên quan. Ví dụ khác là Nghị định 90/2007/NĐ-CP về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của thương nhân không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Hơn nữa, văn bản mà giới kinh doanh cần liên quan đến đến phạm vi kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thì chậm hoặc không được ban hành trong khi những văn bản mang tính quản lý, điều hành, báo cáo thì ban hành nhanh và nhiều. Có thể lấy dẫn chứng như văn bản hướng dẫn việc thực thi các cam kết về dịch vụ của Việt Nam tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, Luật các tổ chức tín dụng 2010 v.v. thì chưa biết bao giờ được ban hành. Thế nhưng, lại có những văn bản như Thông tư 04/2011/TT-BKHĐT và Quyết định 77/2010/QĐ-TTg yêu cầu doanh nghiệp FDI hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện việc báo cáo hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Không nói về hiệu quả của những yêu cầu báo cáo loại này, nhìn riêng góc độ doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài than thở rằng có lẽ họ phải thuê riêng một đến hai nhân viên chuyên chỉ để lập và nộp báo cáo định kỳ cho cơ quan nhà nước vì hàng tháng họ phải nộp ít nhất một báo cáo, chưa kể các báo cáo quý, sáu tháng và hàng năm.[4]

Các văn bản pháp luật mâu thuẫn với nhau hay hướng dẫn của công văn triệt tiêu các quy định pháp luật. Việc này đã là chuyện hàng ngày trên báo.

Mòn mỏi đợi chờ

Pháp luật Việt Nam luôn quy định về khung thời gian để cơ quan nhà nước hoàn tất một thủ tục cấp phép nào đó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ khung thời gian luật định này là rất thấp.

Việc cấp phép mới một dự án đầu tư thường kéo dài trung bình 6 tháng. Trong những trường hợp phức tạp thì lâu hơn, có thể đến một vài năm. Trong khi đó, việc thành lập một công ty tại Singapore trường hợp lâu nhất kéo dài khoảng 3 ngày.

Năm 2008, Bộ Xây dựng có liệt kê quy trình về thủ tục một dự án đầu tư xây dựng gồm 33 bước (thực hiện mất khoảng 3 năm) cùng những đề xuất để giảm bớt các thủ tục không cần thiết. Đến nay, dường như quy trình này vẫn y nguyên, chưa kể đến việc bổ sung thủ tục về giấy phép quy hoạch theo Luật quy hoạch đô thị 2009.

Vả lại, việc diễn giải và áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước nhiều khi chẳng dựa trên (thậm chí là trái) với pháp luật.

Ví dụ như trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần/phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây, với trường hợp mua dưới 49% thì doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp. Nay Sở KHĐT tự thêm thủ tục yêu cầu doanh nghiệp lập dự án đầu tư để chuyển thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, chất lượng giải thích luật của chuyên viên thụ lý hồ sơ cũng là một vấn đề. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong rằng những chuyên viên này ít nhất phải có bằng đại học luật (thì mới có thể hiểu và giải thích các quy định của pháp luật) và lý tưởng hơn phải có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực cấp phép. Có chuyện vui là nếu khi tham vấn hay nộp hồ sơ mà thấy chuyên viên không hiểu biết thì tốt nhất là lấy lại số thứ tự để gặp người khác.

Việt Nam mở cửa với thế giới, chấp nhận luật chơi chung thì cũng cần có cách hành xử của một thành viên có trách nhiệm. Nói cách khác, làm sao để đừng để mình bị coi là 'độc đáo'. Thực tế, nhiều giải thích hay giải pháp của ta mang tính thật là khó hiểu. Ví dụ như trong một cam kết về thương mại dịch vụ WTO, tỷ lệ 51% được coi là tỷ lệ quá bán cần thiết trong doanh nghiệp liên doanh đã thành lập trước ngày Việt Nam gia nhập tổ chức này. Thế nhưng có diễn giải cho rằng cam kết như thế thì chỉ áp dụng cho doanh nghiệp liên doanh thôi, còn doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì vẫn cứ áp dụng tỷ lệ 65%/75% theo Luật doanh nghiệp 2005. Hay Luật đầu tư cho phép dự án đầu tư có thời hạn đến 50 hoặc 70 năm. Thế nhưng nhiều giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp FDI chỉ cho thời hạn của dự án đầu tư là 5 năm. Một số trường hợp còn ngắn hơn. Nhiều nhà đầu tư than thở rằng doanh nghiệp sẽ hoạt động, kinh doanh kiểu gì với 5 năm giấy phép?!

Hiện tại, dường như đang có suy nghĩ cho rằng FDI và doanh nghiệp FDI là nguyên nhân của nhập siêu, chuyển giá, lạm dụng nguồn lực tín dụng và đất đai của Việt Nam v.v. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là Việt Nam có được ngày hôm nay một phần cũng do FDI và vai trò của FDI không hề nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.[5] Mọi vấn đề đều có hai mặt, vấn đề là năng lực của bạn hạn chế những điểm yếu kém như thế nào.

Những ai tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội đều nhớ câu nói ẩn dụ đầy hài hước của Dominic Scriven, CEO của Dragon Capital rằng con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã chết và Việt Nam chỉ còn chừng vài chục con cọp và con voi. Vì lẽ này, Việt Nam cần xem trọng yếu tố phát triển bền vững [nếu không số voi và cọp còn lại cũng chết nốt].


[1] Có thể xem tại http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam/.

[2] Có thể xem tại http://www.eurochamvn.org/Publication/Trade_Issues_&_Recommendations.html.

[3] Xem Private Equity Outlook in Vietnam: Investment Sentiment and Outlook, Quarter 4, 2011 có thể xem tại http://www.gt.com.vn/.

[4] Lưu ý doanh nghiệp phải lựa chọn các loại báo cáo dành cho mình trong số 10 biểu báo cáo tháng, 4 biểu báo cáo quý, 1 báo cáo 6 tháng, 22 biểu báo cáo năm.

[5] Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp tới 42% tổng sản lượng công nghiệp quốc gia và 57% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2010. (Xem http://amchamvietnam.com/index.php?id=5115).

 
Nguồn: Tuanvietnam (Vietnamnet)
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: