Tin tổng hợp

Nâng cao vị thế luật sư - Bài 2: Vất vả chuyện bào chữa

Cập nhật: 08-07-2011 21:47:15

Con đường bảo vệ thân chủ hoàn toàn không dễ đi, khi luật sư chỉ có trong tay hồ sơ gồm toàn chứng cứ buộc tội của cơ quan điều tra. Tranh luận tại tòa thì kiểm sát viên chỉ khăng khăng “bảo lưu quan điểm”. Luật sư mỏi miệng lập luận thì bản án chỉ ghi lại vài dòng ngắn ngủi…

Nhiều chuyên gia có chung nhận định: Một trong những bất cập hiện nay là toàn bộ quá trình tố tụng đều dựa trên hồ sơ buộc tội do cơ quan điều tra xây dựng. Việc bào chữa cũng bị khuôn theo hồ sơ buộc tội.

Nặng tư tưởng buộc tội

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Tú bức xúc: “Chỉ cơ quan buộc tội có quyền thu thập chứng cứ, đó là sự thiếu logic tự nhiên của sự công bằng và công lý mà ai cũng nhận ra nhưng chúng ta không khắc phục. Cái độc quyền này ở nhiều nơi còn lạm dụng như là đặc quyền vậy”.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhận xét: Hoạt động của các cơ quan tố tụng mang nặng tư tưởng buộc tội trong khi pháp luật yêu cầu phải xem xét toàn diện cả yếu tố buộc tội và gỡ tội. Theo ông, với dữ liệu hồ sơ vụ án được xây dựng, các vấn đề đã ăn khớp với nhau, đến khi ra tòa gần như là đã xác định tội phạm. Bởi lẽ, nếu không xác định được tội phạm thì tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án. Chưa kể trong giai đoạn truy tố, VKS cũng có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án.

“Một ngôi nhà mà được cơ quan buộc tội xây xong cả rồi, thậm chí còn trát tường và sơn xong thì người bào chữa có thể làm được gì để thay đổi kết cấu? Chúng tôi phải dò tìm từng hoạt động tố tụng của cơ quan buộc tội để tìm ra sự cầu thả, những lỗi chủ quan và khiếm khuyết, mong sao bào chữa được cho thân chủ” - luật sư Tú chua chát.

Né tránh tranh luận

“Có lần trước tòa tôi nói thẳng: “Tôi đang trả lương cho ông đấy. Tôi nộp thuế là để ông tranh tụng với tôi”. Thế mà kiểm sát viên vẫn không chịu tranh tụng thì biết làm thế nào?” - luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng bộc bạch.

Luật sư đang tranh tụng tại một phiên tòa. Ảnh: HTD

Nói về cơ chế để bảo đảm cho luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã quy định kiểm sát viên phải có ý kiến đối với từng ý kiến của luật sư; hội đồng xét xử cũng không được hạn chế thời gian tranh luận. Quy định rõ như vậy nhưng thực tế nhiều khi trái ngược.

Trong phiên xử Bùi Tiến Dũng và đồng phạm tổ chức đánh bạc… hồi tháng 8-2007 tại TAND TP Hà Nội, phần tranh luận, hai kiểm sát viên đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào của luật sư ngoài việc trích đọc lại cáo trạng. Những vấn đề mấu chốt để làm rõ vụ án mà các luật sư yêu cầu đối đáp, kiểm sát viên đều né tránh.

Bức xúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lớn tiếng: “Tôi hoàn toàn thất vọng với đối đáp của VKS. VKS không đưa ra được căn cứ buộc tội mà chỉ đọc lại cáo trạng”. Khi các luật sư đồng loạt giơ tay xin tranh luận tiếp, tòa tuyên bố: “Nếu có gì mới thì nói, còn lặp lại những gì đã nói thì hội đồng xét xử sẽ… cắt”.

Về chuyện này, một kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội trần tình: VKSND Tối cao chuyển hồ sơ vụ án xuống để ủy quyền truy tố chỉ sáu ngày trước phiên tòa. “Đọc bộ hồ sơ dày hàng trăm trang cũng không đủ thời gian, nói gì đến việc chuẩn bị các căn cứ bảo vệ quan điểm buộc tội”.

Vị này cũng thừa nhận tình trạng chất lượng kiểm sát viên kém là có. Tuy nhiên, có nhiều tình huống họ không nắm chắc án là do… “bất khả kháng như trường hợp trên”. “Lãnh đạo viện thậm chí đã cấm không được dùng từ “chúng tôi giữ nguyên quan điểm đã truy tố” nhưng nhiều kiểm sát viên vẫn mắc phải” - ông tâm sự.

Không ghi nhận ý kiến luật sư

Đầu năm 2010, một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM đã gửi đơn về Liên đoàn Luật sư Việt Nam “tố” chuyện lúc luật sư phát biểu thì một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang nói chuyện với nhau, bỏ ngoài tai các lập luận của luật sư.

Tháng 11-2010, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam có công văn gửi một số cơ quan tố tụng phản ánh những khó khăn của luật sư trong việc tham gia án hình sự. Một bức xúc được các luật sư nêu là nhiều bản án được ban hành không hề ghi nhận, đề cập gì đến quan điểm, ý kiến của luật sư bào chữa. Mặt khác, kết quả tranh tụng của luật sư tại phiên tòa cũng không được lưu tâm.

Thực tế, nhiều bản án chỉ dành một câu duy nhất đề cập đến phần bào chữa của các luật sư: “Xét thấy lời bào chữa của luật sư không có căn cứ…”. Cũng có vụ luật sư bào chữa một đằng, bản án lại ghi nhận một nẻo, khiến luật sư phải yêu cầu đính chính bản án.

Ghi sai ý luật sư

Cuối năm 2008, hai luật sư Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Đoàn Thanh Thy (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) tham gia phiên sơ thẩm một vụ cố ý gây thương tích. Luật sư Thy phát biểu: “Hành vi của bị cáo T. không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đề nghị tòa hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc tuyên bị cáo không phạm tội”. Luật sư Tài nói: “Hành vi của bị cáo B. chỉ đến mức xử phạt hành chính, nếu xử lý hình sự là không thỏa đáng”. Ấy vậy mà bản án lại ghi: “Hai luật sư không nêu rõ bị cáo có tội hay không, chỉ nói VKS truy tố như vậy là chưa thỏa đáng” và “xét khi bào chữa, hai luật sư phải thể hiện rõ quan điểm của mình chứ không được nói chung chung. Hai lời bào chữa này không phù hợp pháp luật, không có căn cứ nên bác”.

Có chế tài cụ thể

Có tranh tụng mới làm rõ được sự thật để tòa quyết định về số phận của bị cáo. Kiểm sát viên ra tòa không chịu tranh tụng, về chỉ bị cơ quan xem xét đánh giá thi đua là chưa công bằng. Nên có quy định chế tài cụ thể đối với kiểm sát viên thì mới khắc phục được tồn tại này. Bởi lẽ nhiều phiên xử, chủ tọa nhắc nhở kiểm sát viên tranh luận với luật sư nhưng nếu kiểm sát viên cứ “bảo lưu quan điểm” thì tòa cũng bó tay.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Phải đối đáp

Luật sư nêu 10 vấn đề, kiểm sát viên cũng phải đối đáp lại 10 vấn đề, chấp nhận hay bác bỏ đều phải cho biết vì sao. Ngay cả khi luật sư lan man, kiểm sát viên cũng cần phân tích là trượt vấn đề như thế nào. Chúng tôi rất mong quan điểm của mình được kiểm sát viên bác bỏ bằng chứng cứ, quy định, lập luận thuyết phục. Tương tự, bản án của tòa cũng phải ghi nhận và đánh giá đầy đủ lý lẽ, lập luận của luật sư.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chỉ đạo điều tra để tranh tụng tốt

Các hoạt động điều tra tội phạm đều do các cơ quan điều tra trực thuộc Bộ Công an đảm nhiệm; hoạt động công tố, buộc tội thuộc chức năng của VKS. Điều này làm cho không ít trường hợp kiểm sát viên không biết được mọi chi tiết của tội phạm, họ phải buộc tội thông qua các kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Dù pháp luật hiện hành vẫn có quy định hoạt động điều tra phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của VKS nhưng thực tế, sự kiểm tra, giám sát không dễ gì thực hiện chặt chẽ bởi các cơ quan điều tra không trực thuộc VKS.

GS-TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội

ĐỨC MINH - THANH TÚ

 
Nguồn: phapluattp.vn
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: