Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 11/2003/HĐTP-HS ngày 27/05/2003 về vụ án Vũ Tiến Đồng và đồng bọn phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"

Cập nhật: 26-09-2011 16:20:49

QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2003/HĐTP-HS NGÀY 27-05-2003 VỀ VỤ ÁN VŨ TIẾN ĐỒNG VÀ ĐỒNG BỌN PHẠM TỘI "CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG"

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

.........

Tại phiên toà ngày 27-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo:

1. Vũ Tiến Đồng, sinh năm 1962

Trú quán: số 202A, quốc lộ 15, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Nghề nghiệp: Nguyên Phó phòng kế hoạch, kiêm Phó Trạm xuất nhập khẩu thuộc Công ty thương mại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Tạm giam lần 01 từ ngày 29-10-1994 đến ngày 28-01-1995.

Tạm giam lần 02 từ ngày 29-05-1995 đến ngày 17-10-1996.

2. Lương Thế Hệ , sinh năm 1945

Trú quán: Số 104 khu Bờ Hồ, thị trấn Trảng Bom, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty thương mại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo tại ngoại.

3. Trần Thị Ánh Hoà, sinh 1956

Trú quán: Số 18L/1 khu phố 05, Tân Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Nghề nghiệp: Nguyên quyền Kế toán trưởng Công ty thương mại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng nai.

Bị cáo tại ngoại.

NHẬN THẤY:

Theo cáo trạng các bị cáo có hành vi phạm tội như sau:

Trạm xuất nhập khẩu thuộc Công ty thương mại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai được thành lập theo quyết định số 01 ngày 27-03-1989 do Giám đốc Công ty Lương Thế Hệ ký. Trạm gồm có Vũ Tiến Đồng- Phó phòng kế hoạch- giữ chức Phó trạm và 03 nhân viên khác dưới sự điều hành trực tiếp của giám đốc công ty. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm là nghiên cứu đề xuất việc sản xuất gia công, chế biến thu mua hàng xuất khẩu. Năm 1991 Công ty đổi tên thành Công ty thương mại huyện Thống Nhất, lúc này nhân sự của Trạm xuất nhập khẩu chỉ còn lại Vũ Tiến Đồng, còn 3 người kia được rút về công ty. Do vậy ngày 10-03-1992 Công ty thương mại lập hợp đồng lao động có thời hạn với Phạm Thanh Phong vào làm cho Trạm xuất nhập khẩu và giám đốc Lương Thế Hệ đã đề nghị bổ nhiệm Phạm Thanh Phong làm Trạm trưởng.

Quá trình hoạt động của Trạm xuất nhập khẩu từ năm 1991 đến tháng 10-1994 do không thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về kế toán thống kê theo Pháp lệnh kế toán- thống kê; do quản lý lỏng lẻo về hành chính, tổ chức không có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các thành viên, giám đốc Công ty cấp một số giấy tờ khống chỉ sai nguyên tắc, khi giao nhận tiền, hàng không có ký nhận giữa các bên nên đổ lỗi quanh co cho nhau. Với những lý do như trên, Đồng và những người khác thông qua các thương vụ xuất nhập khẩu đã có hành vi phạm tội như sau:

I/ Hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa của Vũ Tiến Đồng.

1. Thương vụ xuất khẩu uỷ thác 99 tấn cà phê qua Công ty Getronimex: Thông qua thương vụ này Đồng đã chiếm đoạt 41.198.680 đồng.

2. Thương vụ 100 tấn hạt điều xuất khẩu uỷ thác qua Getronimex: Đối chiếu việc thu chi thương vụ 100 tấn hạt điều, Đồng đã chiếm đoạt của Công ty thương mại Thống Nhất 36.067.710 đồng.

3. Thương vụ 469,1 tấn bắp xuất khẩu uỷ thác qua Getronimex: Theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 30-01-1993 giữa Công ty thương mại Thống Nhất với Getronimex thì qua thương vụ này Đồng đã chiếm đoạt 15.499.064 đồng.

4. Thương vụ 55 tấn cao su xuất khẩu uỷ thác qua Công ty Getronimex: Theo biên bản đối chiếu công nợ thì sau khi trừ đi giá vốn của 55 tấn cao su, Đồng đã chiếm đoạt 22.315.519 đồng.

5. Thương vụ 38,4 tấn đậu phộng xuất khẩu uỷ thác qua Trilimex: Qua thương vụ này Đồng đã chiếm đoạt 142.318.079 đồng.

6. Thương vụ 247,984 tấn cà phê xuất khẩu uỷ thác qua Getronimex: Qua việc thực hiện thương vụ trên Đồng đã chiếm đoạt 483.479.065 đồng.

7. Thương vụ 199, 98 tấn cà phê xuất khẩu uỷ thác qua Công ty Tomatexco: Qua thương vụ này Đồng đã chiếm đoạt số tiền 40.555.633 đồng.

8. Thương vụ 54 tấn cao su xuất khẩu uỷ thác qua Getronimex: Công ty Thương mại Thống Nhất hạch toán, Đồng là người bán và mua. Quá trình thực hiện thương vụ này Đồng chưa nộp được đồng nào vào Công ty. Như vậy Đồng đã chiếm đoạt 385.560.000 đồng.

9. Thương vụ 120 chiếc xe cub nhập khẩu uỷ thác qua Công ty Dogeco: Qua cân đối giữa số tiền bán được và số tiền Đồng đã nộp thấy rằng Đồng còn chiếm đoạt 860.507.114 đồng.

Tổng cộng 09 thương vụ nêu trên là 2.027.500.066 đồng. Quá trình đó Công ty chưa giảm cho Đồng phần ghi có của 05 thương vụ khác là 1.238.317.115 đồng và phiếu thu số 05 ngày 20-12-1992 là 50.000.000 đồng. Như vậy sau khi đối trừ Đồng còn chiếm đoạt 739.182.115 đồng.

II/ Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa của Vũ Tiến Đồng:

Trong thời gian làm việc ở Trạm xuất nhập khẩu, Vũ Tiến Đồng đã nhiều lần ứng tiền mua hàng hoá, đi công tác. Qua cân đối giữa tiền ứng và tiền đã hoàn trả, thì Đồng còn chiếm đoạt của Công ty là 73.074.460 đồng.

III/ Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

1. Đối với Lương Thế Hệ, nguyên Giám đốc Công ty là người trực tiếp quản lý chỉ đạo Trạm xuất nhập khẩu. Do quản lý lỏng lẻo, không tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, cấp khống chỉ các loại giấy tờ có liên quan đến quản lý kinh tế, duyệt chi một cách bừa bãi không thông qua nghiệp vụ kế toán, nên dẫn đến hậu quả Trạm xuất nhập khẩu của Công ty gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa.

2. Đối với Trần Thị Ánh Hoà, nguyên quyền Kế toán trưởng Công ty: Do không tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế theo Pháp lệnh kế toán thống kê; hạch toán các thương vụ xuất nhập khẩu một cách sai nguyên tắc, Trạm xuất khẩu nhập khẩu báo sao nghe theo vậy, từ đó dẫn đến hậu quả trạm xuất nhập khẩu của Công ty gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa.

IV/ Hành vi trốn thuế xuất nhập khẩu:

Năm 1993 Công ty thương mại Thống Nhất ký hợp đồng nhập uỷ thác 10.000 tấn ciment với Công ty thương mại Trà Vinh. Giá thực trả cho việc mua hàng là 66 USD/tấn, nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 61,25 USD/tấn, số còn lại 4,75 USD/tấn thì trả trực tiếp cho Công ty nước ngoài tại Việt Nam để trốn thuế xuất nhập khẩu. Như vậy, qua lô ciment này, Nhà nước đã bị thất thu 90.544.500 đồng.

Cũng trong năm 1992, Công ty thương mại Thống Nhất ký hợp đồng nhập khẩu uỷ thác 103 chiếc xe ô tô loại 12-15 chỗ của Nam Triều Tiên qua Công ty thương mại Trà Vinh. Trên hợp đồng nhập khẩu ghi thanh toán 103 xe ô tô là 385.880 USD, nhưng thực tế phải trả 486.000 USD. Như vậy, số thuế nhập khẩu lô 103 xe ô tô này Nhà nước thất thu 1.074.232.000 đồng. Nhưng mới thực chi cho Công ty nước ngoài 493.400.000 đồng, đang tranh chấp trong thanh toán với Công ty Ivory là 8.350 USD, số còn lại Công ty thương mại Thống Nhất vẫn để chung trong kết quả kinh doanh.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 234/HSST ngày 28-06-1999 Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng khoản 1 Điều 173; khoản 2 Điều 196 Bộ luật Tố tụng Hình sự tuyên bố Vũ Tiến Đồng không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Hai bị cáo Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà không phạm tội trốn thuế.

Áp dụng khoản 2 Điều 133; khoản 2 Điều 174; khoản 1 Điều 220; khoản 3 Điều 38; Điều 34; Điều 44 Bộ luật Hình sự phạt Vũ Tiến Đồng 5 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.

Lương Thế Hệ 3 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trần Thị Ánh Hoà 12 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng.

Buộc Vũ Tiến Đồng phải bồi thường số tiền 148.650.819 đồng.

Tiếp tục kê biên ngôi nhà 205 A quốc lộ 15, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà do cơ quan điều tra đã kê biên tại Quyết định số 13/ KB ngày 19-10-1994 và biên bản kê biên ngày 20-10-1994 của bị cáo Đồng để bảo đảm thi hành án.

Giao số tiền 148.650.819 đồng do bị cáo Vũ Tiến Đồng bồi thường và số tiền 82.000.000 đồng của bị cáo Lương Thế Hệ đã nộp (hiện do Phòng thi hành án dân sự tỉnh Đông Nai giữ) cho tổ thanh toán tài sản của Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai để chi trả.

Trả cho Sở thương mại - du lịch tỉnh Đồng Nai 122.000.000 đồng để trả lại cho Ngân sách Nhà nước là số tiền phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để chi trả các chế độ cho cán bộ, công nhân viên Công ty thương mại Thống nhất đã bị phá sản.

Số còn lại chi trả cho các chủ nợ của Công ty thương mại Thống Nhất căn cứ theo Quyết định tuyên bố phá sản số 01/QĐ- TBPS ngày 07-05-1997 của Toà án.

Bản án sơ thẩm còn có các quyết định khác.

Ngày 30-06-1999 Trần Thị Ánh Hoà kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự.

Ngày 1-7-1999 Lương Thế Hệ kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 12-7-1999 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai kháng nghị đối với cả ba bị cáo Đồng, Hệ, Hoà theo hướng:

1. Kết án Vũ Tiến Đồng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa với số tiền 73.074.460 đồng theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự.

Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà về tội trốn thuế với số tiền 1.164.776.500 đồng theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

2. Vũ Tiến Đồng tham ô với số tiền 739.182.115 đồng theo khoản 3 Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền 739.182.115 đồng theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Đề nghị tăng hình phạt với cả 3 bị cáo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 02/HSPT ngày 04-01-2001 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 2 Điều 220; Điều 221 Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa một phần bản án sơ thẩm; áp dụng điểm d khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (riêng bị cáo Hoà áp dụng thêm điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60. Bị cáo Hệ áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999); phạt các bị cáo Vũ Tiến Đồng 05 năm tù, Lương Thế Hệ 04 năm tù, Trần Thị Ánh Hoà 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 5 năm đều về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự

Không buộc Vũ Tiến Đồng phải bồi thường 148.650.819 đồng và không giao khoản tiền này cho tổ thanh toán tài sản của Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm được giữ nguyên và có hiệu lực pháp luật.

Tại Quyết định kháng nghị số 11/KSXXHS ngày 03-04-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ toàn bộ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm nêu trên đối với các bị cáo Vũ Tiến Đồng, Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà. Đề nghị Toà Hình sự Toà án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm huỷ phần quyết định kê biên ngôi nhà số 202A, quốc lộ 15, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai của Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên, giao ngôi nhà cho Vũ Tiến Đồng quản lý sử dụng.

Kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với Công ty thương mại Thống Nhất nhằm bảo đảm quyền lợi của bị cáo Vũ Tiến Đồng.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ số tiền mà Vũ Tiến Đồng, Phạm Thanh Phong làm thất thoát bao nhiêu, trên cơ sở đó xem xét Đồng, Phong có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Và buộc Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà liên đới với Đồng bồi thường cho đúng pháp luật.

XÉT THẤY:

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có kháng nghị số 104/KSXX- HS ngày 12-07-1999 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 234/HSST ngày 28-06-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo hướng: Vũ Tiến Đồng phạm tội tham ô, Lương Thế Hệ và Trần Thị Ánh Hoà phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đều với số tiền 739.182.115 đồng, Vũ Tiến Đồng thêm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà thêm tội trốn thuế và đề nghị tăng hình phạt đối với cả 03 bị cáo. Nhưng tại Bản án hình sự phúc thẩm số 02/HSPT ngày 04-01-2001 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuy có nhận định về các vấn đề bị kháng nghị, nhưng trong phần quyết định lại không quyết định về các vấn đề này, mà chỉ tuyên xử các bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là thiếu sót và chưa đầy đủ.

Mặt khác, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 234/HSST ngày 28-06-1999 Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai buộc Vũ Tiến Đồng bồi thường 148.650.891 đồng, tiếp tục kê biên ngôi nhà số 202A quốc lộ 15 phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai để đảm bảo thi hành án, nhưng bản án hình sự phúc thẩm số 02/HSPT ngày 04-01-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh không buộc Vũ Tiến Đồng bồi thường 148.650.891 đồng, nhưng lại không tuyên huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần quyết định kê biên ngôi nhà nói trên là không đúng với quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự của Vũ Tiến Đồng liên quan đến các bị cáo thấy rằng: Đối với các thương vụ mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu do Vũ Tiến Đồng thực hiện mà cơ quan tố tụng quy kết cho Đồng làm thất thoát 739.182.115 đồng. Nhưng cũng còn nhiều thương vụ chưa được làm rõ. Cụ thể như thương vụ nhập khẩu 120 chiếc xe cub: Công ty hạch toán mua 120 chiếc xe cub hết 1.222.243.745 đồng, trong số tiền này có 248.136.064 đồng Công ty chi trực tiếp cho Đồng nhưng chưa ghi nợ cho Đồng. Sau khi nhập xe về Công ty đã bán 60 chiếc xe và đã thu tiền, còn 60 chiếc xe giao cho Đồng bán trị giá 662.500.000 đồng. Như vậy trong 60 chiếc xe giao cho Đồng bán đã có một nửa số tiền 284.136.064 đồng, còn một nửa số tiền 284.136.064 đồng nằm ở 60 chiếc xe cub mà Công ty đã bán thu tiền. Nếu thu thêm của Đồng 284.136.064 đồng thì giá thành 120 chiếc xe cub sẽ không phù hợp với giá thành Công ty đã mua 120 chiếc xe cub theo hạch toán mà Cơ quan điều tra đã lấy để tính toán kết luận số tiền Đồng nợ của thương vụ này.

Về thương vụ 38,4 tấn đậu phộng: Qua xác minh thực tế Công ty thương mại huyện Thống Nhất chỉ xuất khẩu uỷ thác qua TOMATEXCO được 32 tấn bằng 160.625.856 đồng. Còn 6,4 tấn thì Lương Thế Hệ đã chỉ đạo Phạm Thanh Phong bán ngoài thu hồi vốn được 32.250.000 đồng, số tiền này Phong khai đã đem mua xe ô tô Toyota cho Công ty hết 27.000.000 đồng, còn 5.000.000 đồng mua vỏ xe, giám đốc Hệ cũng xác nhận chỉ đạo Phong bán ngoài 6,4 tấn đậu phộng mua ô tô phục vụ Công ty, số tiền mua ô tô là tiền bán đậu phộng. Vũ Tiến Đồng thì không thừa nhận thực hiện thương vụ này mà cho rằng Phạm Thanh Phong và Châu Chí Hồng làm, sau khi Hồng đi TOMATEXCO nhận tiền về Phong và Hồng giao cho Đồng 50.000.000 đồng về nộp cho Công ty, Hồng cũng thừa nhận đi với Đồng hoặc ông Hệ đến TOMATEXCO nhận tiền 32 tấn đậu phộng đem về giao cho Đồng quản lý nhưng không có giấy tờ biên nhận. Bản án sơ thẩm cũng nhận định chưa có cơ sở quy kết cho Vũ Tiến Đồng thực hiện thương vụ này nên kiến nghị để điều tra và buộc Phạm Thanh Phong phải chịu trách nhiệm số tiền 38,4 tấn đậu phộng.

Thương vụ 199,98 tấn cà phê: Vũ Tiến Đồng thừa nhận thực hiện thương vụ này, nhưng không được đi nhận tiền mà do Hồng, Phong đi nhận về mới giao cho Đồng hơn một tỷ đồng, còn lại khoảng 600.000.000 đồng Phong và Hồng chưa trả nên không có tiền nộp cho công ty. Châu Chí Hồng thừa nhận có đi cùng với anh Đồng hoặc ông Hệ đến TOMATEXCO nhận số tiền 1.154.316.850 đồng của 199,98 tấn cà phê và sau khi nhận về đã giao cho Đồng hoặc Hệ quản lý nhưng không có giấy tờ biên nhận. Song lời khai nhận của Hồng về số tiền Hồng đã nhận lại mâu thuẫn với số tiền mà Công ty TOMATEXCO đã trả là 1.633.231.994 đồng.

Như vậy, qua lời khai của các bị cáo và những người liên quan thì thấy còn có nhiều mâu thuẫn, số tài sản mà các bị cáo đã gây thất thoát cũng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định chính xác là bao nhiêu, dẫn đến các số liệu còn chênh lệch, vì vậy Toà án cấp phúc thẩm cần phải thẩm vấn kỹ, có sự đối chứng giữa Vũ Tiến Đồng, Lương Thế Hệ, Trần Thị Ánh Hoà và những người liên quan như Phạm Thanh Phong, Châu Chí Hồng... để xác định rõ trách nhiệm của từng bị cáo và những người liên quan, trên cơ sở đó để buộc bị cáo và những người liên quan có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Riêng với Phạm Thanh Phong thì tại quyết định kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị điều tra nhằm làm rõ số tiền mà Phong làm thất thoát, trên cơ sở đó xem xét Phong có phải chịu trách nhiệm hình sự không, nhưng xét thấy cơ quan điều tra đã có Quyết định số 306/QĐ ngày 21-09-1996 khởi tố Phạm Thanh Phong về tội trốn thuế. Sau đó ngày 14-10-1997 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 1699 đình chỉ điều tra đối với Phạm Thanh Phong. Vì vậy, qua thẩm vấn tại phiên toà nếu thấy cần thiết phải điều tra xác minh để làm rõ trách nhiệm của Phạm Thanh Phong thì Toà án cấp phúc thẩm sẽ kiến nghị với Cơ quan điều tra huỷ quyết định đình chỉ điều tra để phục hồi điều tra đối với Phạm Thanh Phong.

Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thấy rằng cần phải huỷ Bản án phúc thẩm số 02/HSPT ngày 04-01-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao cho Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án để khắc phục những thiếu sót nêu trên.

Vì các lẽ trên; căn cứ vào các Điều 254, 256 Bộ luật Tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 02/HSPT ngày 04-01-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Giao hồ sơ vụ án Vũ Tiến Đồng và đồng bọn phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do huỷ Bản án phúc thẩm:

Toà án cấp phúc thẩm không giải quyết những vấn đề mà Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm đã kháng nghị. Số tài sản các bị cáo gây thất thoát cũng chưa xác định được chính xác.

 
bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, tâm lý học, phòng chống tội phạm, Luật sư Nông Thị Hồng Hà, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Phan Kế Bính, , Vnexpress, công an nhân dân, vụ án, bị can, bị cáo, người chưa thành niên, Luật sư bào chữa, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ luật tố tụng hình sự, người tham gia tố tụng, người bị hại, điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, khởi kiện, tranh chấp, thụ lý, hòa giải, lao động, hành chính, kinh tế, đất đai, ly hôn, tài sản, thừa kế, khu đô thị mới, căn hộ, ranh giới, cơ quan tiến hành tố tụng, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, tâm lý học, phòng chống tội phạm, bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, người đại diện hợp pháp, từ chối, các biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam, hậu quả xấu, lấy lời khai, hỏi cung, thời gian, địa điểm, cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế, độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, xét xử lưu động, còng tay, phương tiện, cưỡng chế, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý, tiêu cực, chống đối, gây mất trật tự tại phiên toà, đại diện của gia đình bị cáo, hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, phạt tù, án treo, trắng án, giám sát, tái hòa nhập cộng đồng, người làm chứng, quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, kiểm tra dấu vết, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình, xét xử kín, xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, tham khảo, trộm cắp, cướp, giết người, công vụ, tham ô, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, kinh doanh, thương mại, hợp đồng, doanh nghiệp, bảo hiểm, cố ý gây thương tích, án oan, vu khống, làm giả, làm nhục, khiếu nại, tố cáo, bắt cóc, cưỡng đoạt, chiếm đoạt, lừa đảo, hàng giả, đầu cơ, trốn thuế, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, ma túy, giao thông, đua xe,
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: