Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 27/2006/DS-GĐT ngày 02-10-2006 về vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và về thừa kế”

Cập nhật: 04-08-2011 10:05:07

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 27/2006/DS-GĐT NGÀY 02-10-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN VÀ VỀ THỪA KẾ”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 02 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và về thừa kế giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1933; trú tại: ki ốt số 4, khu Hoà Bình, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

- Bị đơn: Anh Đặng Văn Cảnh, sinh năm 1954; trú tại: 102 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Đặng Văn Minh, sinh năm 1955; trú tại: 6/6 Trần Hưng Đạo, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

2. Bà Nguyễn Thị Bính, sinh năm 1937, trú tại: 314D Ấn Quang, phường 9, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh;

3. Anh Đặng Văn An, sinh năm 1959; trú tại: 102 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

4. Chị Đặng Thị Nhàn, sinh năm 1961, trú tại Canađa; chị Nhàn uỷ quyền cho anh Đặng Văn An và anh Đặng Văn Cảnh;

5. Chị Đặng Thị Huyền, sinh năm 1957, trú tại Pháp; chị Huyền uỷ quyền cho bà Hoàng Thị Yêm, sau đó uỷ quyền cho anh Đặng Văn An và anh Đặng Văn Cảnh;

6. Chị Đặng Thị Thanh Xuân; sinh năm 1967; trú tại: 14 Nguyễn Chí Thanh, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

7. Chị Đặng Thị Ngọc Bích, sinh năm 1970 trú cùng địa chỉ với bà Bình;

8. Bà Đặng Thị Tuyết, sinh năm 1932; trú tại: 356 phố Huế, Hà Nội;

9. Anh Đặng Văn Lộc, sinh năm 1972 cùng địa chỉ với bà Bình;

10. Bà Tống Hồ Kim Chung, sinh năm 1932; trú tại: Trung tâm bảo trợ xã hội, tỉnh Lâm Đồng;

11. Cụ Ngô Thị Thư, sinh năm 1914 cùng địa chỉ với bà Tuyết và uỷ quyền cho bà Tuyết.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 1-7-1992 và các lời khai tại Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng của bà Nguyễn Thị Bình, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Ngọc Bích và anh Đặng Văn Lộc thì:

Cụ Ngô Thị Thư có hai người con là bà Đặng Thị Tuyết và ông Đặng Văn Tuỳ.

Ông Tuỳ có 4 vợ:

- Vợ cả là bà Nguyễn Thị Bính (kết hôn năm 1954) có 1 con chung là anh Đặng Văn Minh. Năm 1955 ông Tuỳ và bà Bính tự nguyện từ hôn (năm 1959 bà Bính lấy chồng khác).

- Vợ hai là bà Trần Thị Hoà (kết hôn năm 1955) có 4 con chung là anh Đặng Văn Cảnh, anh Đặng Văn An, chị Đặng Thị Huyền và chị Đặng Thị Nhàn.

Năm 1962 bà Hoà chết không để lại di chúc.

- Vợ ba là bà Tống Hồ Kim Chung: năm 1965 ông Tuỳ quan hệ với bà Tống Hồ Kim Chung, không có con chung. Năm 1966 bà Chung, ông Tuỳ tự cắt đứt quan hệ.

- Vợ bốn là bà Nguyễn Thị Bình: Sau khi cắt đứt quan hệ với bà Chung, khoảng năm 1966, 1967 ông Tuỳ chung sống với bà Bình và có 3 người con chung là chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Ngọc Bích và anh Đặng Văn Lộc.

Về tài sản: Năm 1955 cụ Thư, ông Tuỳ và bà Hoà vào Đà Lạt thuê nhà để ở (căn nhà hiện mang số 102 Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt). Năm 1962 bà Hoà chết, ông Tuỳ, cụ Thư và các con của bà Hoà vẫn ở tại nhà thuê. Sau khi lấy bà Bình (năm 1966) thì ông Tuỳ, bà Bình, cụ Thư và các con ở tại căn nhà trên.

Năm 1970 ông Tuỳ, bà Bình mua lại căn nhà thuê, đồng thời xây dựng lại như hiện nay để ở.

Ngày 10-1-1980, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà 102 Phan Đình Phùng cho bà Bình, ông Tuỳ.

Ngày 11-2-1991 ông Tuỳ chết không để lại di chúc. Bà Bình, anh Cảnh, anh An mỗi người quản lý sử dụng một phần căn nhà, còn cụ Thư ra Hà Nội ở với bà Tuyết.

Do có mâu thuẫn, năm 1992 bà Bình khởi kiện cho rằng căn nhà 102 Phan Đình Phùng, Đà Lạt là tài sản chung của bà và ông Tuỳ nên bà yêu cầu thanh toán tài sản vợ chồng và chia thừa kế theo luật đối với di sản của ông Tuỳ.

Anh Cảnh cho rằng căn nhà 102 Phan Đình Phùng là tài sản chung của ông Tuỳ với mẹ anh (là bà Hoà) và cụ Thư, còn bà Bình không có công sức, nên yêu cầu được chia thừa kế di sản của cụ Thư, ông Tuỳ và bà Hoà.

Anh Minh cho rằng trong số tiền mua nhà 102 Phan Đình Phùng thì bà Bính có một phần nên yêu cầu trích trả cho bà Bính và yêu cầu chia thừa kế di sản của ông Tuỳ.

Các đương sự khác yêu cầu được chia thừa kế theo pháp luật.

Ngoài ra, các đương sự đều thừa nhận ông Tuỳ, bà Bình còn nợ bà Tuyết (em ông Tuỳ) 4 lượng vàng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 25-1-1995, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định:

1. Xác nhận khối tài sản chung của vợ chồng ông Đặng Văn Tuỳ và bà Nguyễn Thị Bình là căn nhà mang biển số 102 đường Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có giá trị 1.001.267.208 đồng và xác định số nợ của ông Tuỳ và bà Bình phải trả cho bà Đặng Thị Tuyết là 4 lượng vàng 24k.

2. Xác định những người được hưởng thừa kế của ông Đặng Văn Tuỳ theo pháp luật gồm 11 người là: cụ Thư, bà Chung, bà Bình, anh Minh, anh Cảnh, anh An, chị Nhàn, chị Huyền, chị Xuân, chị Bích và anh Lộc.

3. Chia cho bà Nguyễn Thị Bình được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà số 102 đường Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và bà Bình có trách nhiệm trả số nợ là 4 lượng vàng 24k cho bà Đặng Thị Tuyết và thanh toán cho 10 thừa kế khác mỗi người 44.748.510 đồng.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 26-1-1995 bà Chung kháng cáo với nội dung bà là vợ chính thức của ông Tuỳ nhưng chỉ được hưởng 1 phần thừa kế như các con bà Bình là không đúng.

Ngày 27-1-1995 bà Hoàng Thị Yêm (được chị Huyền uỷ quyền) kháng cáo với nội dung: Tài sản của ông Tuỳ có từ 4 người vợ, nhưng Toà án chỉ quyết cho người vợ thứ 4 được hưởng là không đúng.

Ngày 7-2-1995 anh Cảnh kháng cáo với nội dung: Toà án chưa xác minh cụ thể quá trình phát sinh tài sản trong 40 năm qua, chưa đủ những người có liên quan. Việc xét xử chỉ phù hợp với trường hợp 1 vợ, 1 chồng, nhưng ông Tuỳ có 4 người vợ và 3 dòng con.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 194/DSPT ngày 30-9-1995, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 25-1-1995 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xét xử vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình với bị đơn là anh Đặng Văn Cảnh.

2. Giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để điều tra giải quyết lại với thành phần Hội đồng xét xử khác.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 17-5-1996, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định:

1. Xác định khối tài sản chung của vợ chồng ông Đặng Văn Tuỳ và bà Nguyễn Thị Bình là căn nhà 102 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trị giá 865.541.000 đồng.

- Xác định số nợ của ông Tuỳ và bà Bình phải trả cho bà Tuyết là 4 lượng vàng tương đương 20.400.000 đồng tại thời điểm xét xử.

2. Xác định những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của ông Tuỳ là 12 người gồm: Bà Ngô Thị Thư, bà Nguyễn Thị Bính, bà Tống Hồ Kim Chung, bà Nguyễn Thị Bình, anh Đặng Văn Cảnh, anh Đặng Văn An, anh Đặng Văn Minh, chị Đặng Thị Nhàn, chị Đặng Thị Huyền, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Bích Ngọc và anh Đặng Văn Lộc.

Giao cho bà Nguyễn Thị Bình được sở hữu toàn bộ căn nhà số 102 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và bà Bình có trách nhiệm thanh toán cho:

a) Bà Đặng Thị Tuyết 04 lượng vàng (tương đương 20.400.000 đồng) là khoản nợ và 35.214.208 đồng là phần di sản thừa kế mà bà Ngô Thị Thư được hưởng và bà Tuyết được uỷ quyền quản lý để giải quyết thừa kế của bà Thư sau này.

b) Bà Chung, bà Bính, anh Minh, anh Cảnh, anh An, chị Huyền, chị Nhàn, chị Xuân, chị Bích, anh Lộc mỗi người là 35.214.208 đồng.

Giao phần di sản thừa kế mà bà Bính được hưởng cho anh Minh tạm quản lý.

Giao phần di sản thừa kế mà chị Nhàn, chị Huyền được hưởng cho anh Cảnh và anh An tạm quản lý.

c) Anh Đặng Văn Cảnh có trách nhiệm giao toàn bộ căn nhà nói trên cho bà Bình trong thời hạn 2 tháng kể từ khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 24-5-1996 bà Chung có đơn kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm xét xử chưa công bằng và chưa đúng sự thật.

Ngày 24-5-1996 anh Cảnh có đơn kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm xét xử chưa thoả đáng gây thiệt thòi đến quyền lợi của anh và các anh chị em của anh.

Tại đơn kháng cáo không ghi ngày (Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận được ngày 29-5-1996) bà Bình cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đưa bà Bính và bà Chung vào diện chia thừa kế là không đúng.

Tại Quyết định số 01/KN-DS ngày 25-6-1996, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã kháng nghị bản án sơ thẩm nêu trên, cho rằng bà Bính và bà Chung không phải là vợ của ông Tuỳ nên chia thừa kế là không đúng. Do đó, đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng chia lại di sản của ông Tuỳ cho đúng pháp luật.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 133/DSPT ngày 27-7-1996, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng và chia di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị Bình.

- Xác định tài sản chung của vợ chồng ông Đặng Văn Tuỳ và bà Nguyễn Thị Bình là ngôi nhà số 102 đường Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trị giá 865.514.000 đồng.

- Xác định số nợ ông Tuỳ, bà Bình phải trả cho bà Đặng Thị Tuyết là 04 lượng vàng 24k (trị giá tương đương 20.400.000 đồng tại thời điểm xét xử sơ thẩm). Bà Bình được quyền sở hữu 1/2 tài sản chung còn lại, sau khi trừ số nợ trên là 422.570.500 đồng.

2. Xác định di sản thừa kế của ông Đặng Văn Tuỳ để lại (sau khi chia cho bà Bình một nửa tài sản chung của vợ chồng) là 422.570.500 đồng.

- Những người được hưởng quyền thừa kế di sản của ông Tuỳ bao gồm: cụ Ngô Thị Thư, bà Nguyễn Thị Bình, anh Đặng Văn Minh, anh Đặng Văn Cảnh, anh Đặng Văn An, chị Đặng Thị Huyền, chị Đặng Thị Nhàn, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Ngọc Bích và anh Đặng Văn Lộc. Bà Tống Hồ Kim Chung được trích cho một phần di sản của ông Tuỳ, trị giá bằng 1 kỷ phần thừa kế.

3. Giao cho bà Nguyễn Thị Bình được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà số 102 Phan Đình Phùng, phường II, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bà Bình có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ sau:

a) Trả nợ bà Đặng Thị Tuyết 04 lượng vàng 24k, trị giá khi xét xử sơ thẩm là 20.400.000 đồng. Thanh toán cho bà Ngô Thị Thư kỷ phần thừa kế 38.415.500 đồng, bà Tuyết được bà Thư uỷ quyền quản lý số tài sản trên để giải quyết việc thừa kế của bà Thư sau này.

b) Thanh toán cho anh Đặng Văn Minh, anh Đặng Văn Cảnh, anh Đặng Văn An, chị Đặng Thị Huyền, chị Đặng Thị Nhàn, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Ngọc Bích, anh Đặng Văn Lộc mỗi người một kỷ phần thừa kế là 38.415.500 đồng và bà Tống Hồ Kim Chung phần trích cho từ di sản của ông Tuỳ trị giá bằng một kỷ phần thừa kế là 38.415.500 đồng.

Phần của chị Huyền, chị Nhàn được hưởng giao cho anh Cảnh, anh An tạm thời quản lý theo uỷ quyền.

c) Anh Cảnh phải giao lại cho bà Nguyễn Thị Bình toàn bộ ngôi nhà 102 Phan Đình Phùng thuộc phường II, thành phố Đà Lạt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 27-7-1996.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn có quyết định về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm các đương sự đã nộp án phí, anh Cảnh, anh An đã giao nhà cho bà Bình từ tháng 1-1997.

Bà Bình đề nghị bán nhà để thanh toán cho các thừa kế và thanh toán nợ.

Phòng Thi hành án tỉnh Lâm Đồng định lại giá nhà thì giá trị căn nhà chỉ là 542.639.000 đồng. Trong khi đó, các thừa kế vẫn yêu cầu được hưởng mỗi người 38.415.500 đồng theo bản án dân sự phúc thẩm số 133/DSPT ngày 27-7-1996 đã tuyên. Do đó, bản án trên không thi hành được. Ngày 6-7-1998 Phòng Thi hành án tỉnh Lâm Đồng có công văn số 75-THA đề nghị Toà án nhân dân tối cao giám đốc lại bản án.

Tại Quyết định số 16/DS ngày 17-7-1998 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên với nhận định:

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định đúng di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế và những người được hưởng thừa kế, trên cơ sở đó chia di sản của ông Tuỳ theo pháp luật thừa kế cho cụ Thư, bà Bình và các con ông là đúng.

Tuy nhiên, tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 431 ngày 10-1-1986 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng xác định căn nhà 102 Phan Đình Phùng (hiện đang có tranh chấp) còn 50% giá trị (BL 30), nhưng tại biên bản định giá
ngày 9-4-1996 Hội đồng định giá xác định căn nhà trên còn 61,61%. Tại thời điểm định giá các nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cho rằng giá do Hội đồng định giá xác định là quá cao so với thực tế. Do đó, việc Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm không định lại giá mà vẫn áp dụng theo giá mà Hội đồng định giá đã định để chia thừa kế bằng hiện vật cho bà Bình và buộc bà Bình phải thanh toán cho những người thừa kế khác là không đúng.

Đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo hướng: Định lại giá nhà đất có tranh chấp, trên cơ sở đó xác định đúng giá trị di sản của ông Tuỳ để chia thừa kế theo quy định chung của pháp luật.

Tạm đình chỉ thi hành án phúc thẩm nêu trên.

Tại Kết luận số 220/KL-DS ngày 26-11-1998 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 17-5-1996 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và bản án dân sự phúc thẩm nêu trên giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo hướng định lại giá nhà đất để chia thừa kế.

Tại Quyết định số 04/UBTP-DS ngày 10-2-1999 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án nêu trên để chờ quy định mới của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm dân sự nêu trên của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 17-5-1996 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

XÉT THẤY:

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định đúng di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế và những người được hưởng thừa kế, trên cơ sở đó chia di sản của ông Tuỳ theo pháp luật thừa kế cho cụ Thư, bà Bình và các con của ông là đúng pháp luật.

Tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 431NĐ/XD ngày 10-1-1986, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng xác định giá trị căn nhà (đang có tranh chấp) còn 50%, nhưng tại biên bản định giá ngày 9-4-1996 Hội đồng định giá tại cấp sơ thẩm lại xác định căn nhà 102 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng còn 61,61% từ đó xác định giá trị nhà và đất là 865.541.000 đồng. Các đương sự đều cho rằng việc định giá Hội đồng định giá là cao so với thực tế, đồng thời đề nghị định giá lại, nhưng Toà án cấp phúc thẩm không định giá lại mà vẫn áp dụng giá mà Hội đồng định giá ở cấp sơ thẩm đã xác định và giao toàn bộ nhà cho bà Bình, đồng thời buộc bà Bình thanh toán giá trị nhà cho các thừa kế khác là chưa đúng pháp luật và chưa đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Hơn nữa, việc định giá của Toà án cấp sơ thẩm từ năm 1996 cho đến nay không còn phù hợp, nên để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự thì cần thiết định giá lại cho phù hợp với thực tế. Mặt khác, vụ án này Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã tạm đình chỉ việc giải quyết theo quy định của pháp luật từ năm 1999, nên để có đủ căn cứ giải quyết vụ án theo quy định tại Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: “về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư tại nước ngoài tham gia” thì cần xác minh làm rõ có hay không việc thay đổi các đương sự và yêu cầu của họ, đồng thời xác định rõ nơi cư trú ở nước ngoài của đương sự và yêu cầu của các đương sự khác có liên quan trong vụ án.

Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm xác định ông Tuỳ, bà Bình nợ bà Tuyết 4 lượng vàng để buộc trả nợ bằng tiền thì cho đến nay giá trị vàng đã thay đổi lớn nên cũng phải xác định lại giá trị 4 lượng vàng này để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài
tham gia.

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 13/DSPT ngày 27-7-1996 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 17-5-1996 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng và chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình với bị đơn là anh Đặng Văn Cảnh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Đặng Văn Minh, bà Nguyễn Thị Bính, anh Đặng Văn An, chị Đặng Thị Huyền, chị Đặng Thị Nhàn, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Đặng Thị Ngọc Bích, anh Đặng Văn Lộc, bà Tống Hồ Kim Chung, bà Đặng Thị Tuyết và cụ Ngô Thị Thư; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

____________________________________________

- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

1. Cần định giá lại giá trị của di sản thừa kế;

2. Cần xác định lại có sự thay đổi về các đương sự hay không, yêu cầu của họ và nơi cư trú của các đương sự ở nước ngoài.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

1. Thiếu sót trong việc xem xét, xác định giá trị của di sản thừa kế;

2. Do thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài.

 
tranh chấp, quyền sở hữu, tài sản, thừa kế
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: