Thông báo

Trực tuyến với ba thanh niên được minh oan

Cập nhật: 19-06-2010 13:56:49

TPO 18-6 Buổi trực tuyến với ba thanh niên vừa được trả tự do và các vị khách mời đã kết thúc với hàng trăm câu hỏi của bạn đọc. Dưới đây là toàn văn nội dung buổi giao lưu trực tuyến.

Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến, TBT báo Tiền phong Đoàn Công Huynh phát biểu:

Về vấn đề cải cách tư pháp, báo Tiền Phong luôn nỗ lực kiên trì theo đuổi để mang tới cho bạn đọc những thông tin cần thiết. Đó là một trong những trách nhiệm của báo Tiền Phong nói riêng và đội ngũ làm báo nói chung.

Nói đến cải cách tư pháp là nói đến một câu chuyện dài kỳ, không chỉ riêng ở các nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển. Sau mỗi sự kiện tố tụng, sau mỗi vụ án, pháp luật ngày càng trở nên hoàn thiện, sát thực hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi tư pháp đã hoàn thiện thì vẫn có thể có những khoảng cách nhất định giữa những người tham gia tố tụng. Vì thế, hôm nay báo Tiền Phong tổ chức diễn đàn giao lưu trực tuyếnCải cách tư pháp: Phòng chống oan, sai. Với tư cách là tờ báo của giới trẻ, báo Tiền Phong hy vọng đóng góp công sức của mình cho công cuộc cải cách tư pháp!

Đối với các vị khách mời, tôi xin cảm ơn và bày tỏ sự ngưỡng mộ với việc các anh chị đã phấn đấu hết sức mình cho công lý, cho điều hay lẽ phải. Hôm nay, mong rằng các anh các chị sẽ chia sẻ với bạn đọc trên khắp cả nước về kinh nghiệm của mình, cũng như những vướng mắc cần giải quyết trong tố tụng!

Luật sư Phạm Thanh Bình: Cảm ơn Báo Tiền Phong vì đã tổ chức cuộc trực tuyến hôm nay! Về vụ kỳ án này, tôi đã theo dõi và thấy có hàng trăm bài báo của rất nhiều báo đưa tin bài về vụ án nhưng tổ chức một cuộc trực tuyến như hôm nay chỉ có báo Tiền Phong làm.

Chúng tôi đã tham gia và theo đuổi vụ án từ cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Xem hồ sơ vụ án cũng như khi gặp ba bị cáo, chúng tôi càng củng cố nhận định về việc ba thanh niên này không phải là người phạm tội Hiếp dâm như cáo trạng đã đưa ra.

Tôi đã có thời gian 17 năm làm việc ở tòa án Tối cao nên tôi có đủ kinh nghiệm dễ dàng phát hiện ra nhưng bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội đối với ba thanh niên nhưng rất tiếc những ý kiến chúng tôi đưa ra không được HĐXX chú ý lắng nghe.

Bài học rút ra từ vụ án này là rất nhiều nhưng trước hết chúng tôi thấy cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tư tưởng chạy theo thành tích của cơ quan điều tra,

Bài học thứ hai tôi muốn nêu ra là, các cơ quan tiến hành tố tụng nên có thái độ cầu thị, tôn trọng đối với người tham gia tố tụng, cần coi trọng luật sư vì chúng tôi góp phần giúp họ làm sáng tỏ vụ án. Hãy tôn trọng và lắng nghe ý kiến của luật sư. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về việc buộc các cơ quan tiến hành phải lắng nghe ý kiến của luật sư nhưng đã có nghị quyết 08 của bộ chính trị về việc cải cách tư pháp, tăng cường tranh tụng.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà: Cảm ơn báo tổ chức cuộc giao lưu hôm nay! Sau khi tiếp nhận hồ sơ chúng tôi đã tìm hiểu hồ sơ, gặp nhân chứng tại trại Sa La, lặn lội tới tận hiện trường vụ án để đo đạc và tìm hiểu trình tự diễn ra vụ án để có thể lên phương án bào chữa nhưng không được sự hợp tác của cơ quan tố tụng.

Theo quan điểm của tôi thì hy vọng rằng, các cơ quan tố tụng rồi đây sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, trách nhiệm hơn trước những ý kiến của luật sư, đồng thời các thẩm phán phải nêu cao trách nhiệm và lương tâm trước khi ra phán quyết. Bởi, các vị là người nhân danh nhà nước để ra các quyết định về sinh mạng chính trị của mỗi con người đứng trước vành móng ngựa.

Thực ra, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án của 3 thanh niên này, chúng tôi cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức để làm sáng tỏ những tình tiết mà đã được nêu trong cáo trạng. Chúng tôi cũng gặp gỡ rất nhiều nhân chứng trong đó. Sau đó chúng tôi đã gửi bản kiến nghị rất chi tiết lên Thẩm phán bấy giờ là chị Nguyễn Thị Xuân Phương… nhưng không được xem xét. Ngay tại phiên tòa xét xử năm 1992, khi chúng tôi bào chữa thì vị đại diện Viện kiểm sát đã cho thấy năng lực yếu kém, tôi rất thất vọng…

Tôi nghĩ rằng, phải có cách nhìn thấu đáo, toàn diện hơn. Các vị thẩm phán cần lắng nghe luật sư nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng, sau vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng có một cách nhìn thân thiện hơn với luật sư, kể cả kiểm sát cũng thế.

Luật sư Phạm Thanh Bình: Dưới hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay, về chế tài để phiên tranh tụng cần lắng nghe ý kiến luật sư, thì có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường chất lượng việc tranh tụng. Nhưng đây cũng mang tính chất quy định thôi, chứ chưa cụ thể thành chế tài. Rất tiếc, do sự chưa hoàn thiện của luật pháp, nên những người phản biện cũng chưa thực sự được lắng nghe.

Xin hỏi 2 Luật sư Phạm Thanh BìnhNông Thị Hồng Hà: giả sử 2 luật sư là chủ tọa phiên tòa xét xử hơn 10 năm trước và 2 luật sư đã tuyên án như phiên tòa đó thì đến nay phiên tòa được xác định là oan sai thì 2 luật sư sẽ nghĩ gì khi mình làm điều sai sót đó? (Phạm Chí Hướng, 38 tuổi, Đồng Tâm - TP Yên Bái tỉnh Yên Bái)

Luật sư Nông Thị Hồng Hà: Nếu chúng tôi là chủ tọa phiên tòa xét xử hơn 10 năm trước và đã tuyên án, như phiên tòa đó mà đến nay phiên tòa được xác định là oan sai thì chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm, xin lỗi những người bị kết án oan và tự nguyện xin từ chức.

Những người điều tra sai kết án sai, xử lí như thế nào (đỗ thị thanh thủy, 43 tuổi, thanhthuytp68@yahoo.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Hiện nay Pháp luật VN mới có quy định cơ quan có nghĩa vụ bồi thường cho người bị xét xử oan sai, còn trách nhiệm cá nhân trong việc xét xử oan sai phải căn cứ vào hành vi cụ thể trong từng vụ án cụ thể. Những người gây nên việc oan sai thì tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể bị xét xử về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; tội ra bản án trái pháp luật…

Trong những bài báo tôi đọc trước đây có một số chi tiết như: các bản khai của nhân chứng xác nhận sự ngoại phạm của 3 thanh niên không thấy trong hồ sơ, một số lời khai của các nhân chứng khác không được tổ điều tra ghi nhận... Có thể kết luận tổ điều tra án cố làm sai lệch vụ án được không? HỌ LÀM VẬY VÌ MỤC ĐÍCH GÌ ? Trong trường hợp này có thể truy tố họ ra tòa được không? (Hưng Thịnh, 46 tuổi, hungthinh88@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc bỏ các tài liệu ra khỏi hồ sơ vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án có thể bị truy tố về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 Bộ luật hình sự.

Luật sư có thể cho tôi biết về quá trình minh oan cho Kiên, Lợi, Tình ở phiên tòa sơ thẩm. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Xuân vượng, 27 tuổi, xuanvuong@gmail.com)

Luật sư Phạm Thanh Bình : Trước khi bào chữa tại phiên toà sơ thẩm, chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ, phân tích từng căn cứ buộc tội của Viện Kiểm sát là mâu thuẫn với hồ sơ vụ án, đã gửi kiến nghị cho HĐ xét xử. Đồng thời, yêu cầu trả tự do cho các bị cáo vì không đủ căn cứ buộc tội như cáo trạng đã nêu. Rất tiếc, Hội đồng xét xử đã không xem xét đến kiến nghị của chúng tôi, nên vẫn tuyên họ phạm tội, cho dù, ngay tại phiên toà, các lời khai của 3 thanh niên này rất nhiều mâu thuẫn với hồ sơ vụ án. Và cả 3 thanh niên này không nhận các hành vi như cáo trạng đã cáo buộc - họ đã kêu oan...

Tôi xin hỏi hai luật sư Phạm Thanh BìnhNông Thị Hồng Hà: trong hệ thống luật pháp của ta hiện nay có quy định nào về việc xử lý những cá nhân hay tập thể toà án đã ra những phán quyết gây oan sai cho người vô tội hay không? Trong trường hợp của ba thanh niên này, việc xin lỗi và bồi thường cho họ do cấp nào đưng ra thực hiện ? Và khoản tiền bồi thường lấy từ đâu ra? Xin cám ơn hai luật sư. (Trần Khâm, 52 tuổi tuổi, trankhamdtt@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Luật pháp của ta hiện nay có quy định về việc xử lý những cá nhân đã ra những phán quyết gây oan sai cho người vô tội. Trong trường hợp của ba thanh niên này, việc xin lỗi và bồi thường cho họ do tòa án cấp phúc thẩm đứng ra thực hiện. Khoản tiền bồi thường này lấy từ ngân sách nhà nước ra trả trước cho những người bị oan.

Người có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền bồi thường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tôi đã đọc loạt bài có liên quan đến việc kết án oan sai cho ba thanh niên. Tôi tỏ lòng khâm phục tới vị Bác sỹ đã lao tâm khổ tứ để tìm cách giải oan cho 3 anh trước sự thờ ơ của nhiều cá nhân và cơ quan pháp luật. Tôi xin hỏi với việc cố tình làm giả các bằng chứng, hiện trường, vật chứng để buộc tội người oan sai thì người làm việc này có phạm tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng không". Xin cảm ơn. (Nguyễn Văn Long, 35 tuổi, longmaika@yahoo.com.vnĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc cố tình làm giả các bằng chứng, hiện trường, vật chứng để buộc tội người oan sai thì người làm việc này phạm tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án" hoặc tội "Cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội"

Tôi cũng là một chuyên gia pháp lý. Tôi không đặt thêm câu hỏi mà chỉ xin góp thêm một lời cảm ơn từ nhân dân đến Luật sư: Phạm Thanh Bình, Nông Thị Hồng Hà và bác sĩ Phạm Thị Hồng. Các anh chị xứng đáng là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân hiểu và tin vào sự công bằng, minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam. Xin chúc các anh chị khoẻ và hạnh phúc. (hoangthihoaithu, 33 tuổi, thu_pcttx@yahoo.com.vnĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Xin cám ơn bạn!

Thưa Luật sư Phạm Thanh Bình, sau khi sự việc minh oan cho 3 thanh niên kết thúc ông có tiếp tục hố trợ 3 thanh niên khiếu kiện lại các cơ quan pháp luật để đòi tiền bồi thường về danh dự lại cho 3 thanh niên không, Ông nghĩ gì về chế tài, kỷ luật đối với người và cơ quan pháp luật khi xử sai không đúng người đúng tội (nguyễn Miền Trung, 39 tuổi)

Luật sư Phạm Thanh Bình: Sau khi sự việc minh oan cho 3 thanh niên kết thúc, nếu có yêu cầu chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ 3 thanh niên trong việc yêu cầu bồi thường theo đúng quy định của Luật Bồi thường nhà nước.

Gửi LS Phạm Thanh Bình,(1)Khi tham gia bào chữa cho 03 thanh niên trong quá trình xét xử, LS có niềm tin (? %)với các bằng chứng trong hồ sơ vụ án thì các thanh niên này là không phạm tội. (2) Trong thời gian tham gia công việc bào chữa trong các phiên tòa thì số lượng các vụ án LS có bằng chứng cho rằng các bị can không phạm tội có nhiều không?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Khi tham gia bào chữa cho 03 thanh niên trong quá trình xét xử, tôi tuyệt đối tin vào việc các thanh niên này không phạm tội vì các bằng chứng có trong hồ sơ đã nói lên điều đó.

Trong thời gian tham gia công việc bào chữa trong các phiên tòa thì số lượng các vụ án LS có bằng chứng cho rằng các bị can không phạm tội không nhiều.

Về vấn đề ở tù oan thì 3 thanh niên được đền bù tinh thần và vật chất thế nào, phápluật có qui định không? (Ngô Văn Trưởng, 32 tuổi, ngo_vtruong@yahoo.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. )

Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại khoản 2, Điều 26 Luật Bồi thường nhà nước (có hiệu lực từ 1.1.2010) thì một trong các trường hợp được Nhà nước bồi thường thiệt hại là việc: “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...”.

Như vậy, nếu Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên không phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản thì họ sẽ được Nhà nước bồi thường thiệt hại.

- Tùy từng trường hợp cụ thể, người bị kết án oan sẽ được Nhà nước bồi thường về các thiệt hại sau đây: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ...

Toà Phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội là toà án ra bản án cuối cùng kết án Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên về tội hiếp dâm và cướp tài sản. Nếu Hội đồng Thẩm phán - TANDTC xét xử Giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viên trưởng VKSNDTC thì sẽ xảy ra một trong hai khả năng:

a- Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên các bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội, thì họ sẽ được bồi thường ngay;

b- Hội đồng Thẩm phán - TANDTC tuyên huỷ bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại, mà sau đó họ vẫn được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được tuyên là không có tội, thì việc Bồi thường chỉ được thực hiện sau khi có một trong các quyết định tố tụng nói trên.

Như vậy, dù được bồi thường ngay hay phải chờ đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được tuyên là không có tội thì theo Luật bồi thường nhà nước, Toà Phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội vẫn là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên.

Thưa bạn đọc, vẫn còn hàng trăm câu hỏi nữa của bạn đọc mà các vị khách mời của chúng tôi chưa kịp trả lời do thời gian đã hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển các câu hỏi còn lại tới những vị khách mời qua email để có thể trả lời trực tiếp bạn đọc. Chúng tôi xin dừng buổi trực tuyến này tại đây. Xin trân trọng cám ơn các vị khách mời và bạn đọc đã tham gia cùng chúng tôi. Hẹn gặp lại vào các buổi trực tuyến lần sau.

Để tham khảo chi tiết, xin độc giả vào link sau đây:

http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/504006/Truc-tuyen-voi-ba-thanh-nien-duoc-minh-oan.html

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: