Tin tổng hợp

Nâng cao vị thế luật sư - Bài 1: Luật sư bị hạ uy tín tại tòa

Cập nhật: 08-07-2011 21:40:55

10 năm qua, vai trò và vị thế của luật sư đã được nâng lên rõ rệt. Phát triển nghề luật sư, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng được xác định là một nhiệm vụ cải cách tư pháp. Dù vậy, không phải cơ quan, cán bộ tố tụng nào cũng có ý thức nghiêm túc thực hiện…

Ngoài một vấn đề lúc nào cũng “nóng” là bị làm khó trong giai đoạn điều tra, đến khi ra tòa, không ít lần các luật sư còn bị thẩm phán, kiểm sát viên, đương sự cố tình làm cho bẽ mặt.

“Luật sư có năng lực hành vi dân sự không?”

Ngày 18-3, TAND quận Kiến An (Hải Phòng) xử một vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, sau khi kiểm tra căn cước của bị cáo, đại diện nạn nhân…, chủ tọa đã yêu cầu luật sư Đoàn Văn Phương (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, bào chữa cho bị cáo) đứng dậy để kiểm tra căn cước.

Đây là một yêu cầu hi hữu trong các phiên tòa hình sự. Dù vậy, tuân theo sự điều hành của chủ tọa, luật sư vẫn đứng lên trình bày rằng các chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư… mà luật sư nộp cho tòa trước đó đã thể hiện rõ “căn cước” của luật sư theo yêu cầu. Chủ tọa vẫn khăng khăng: “Đề nghị luật sư cho xem căn cước. Xem lại luật. Nếu luật sư không có năng lực hành vi dân sự thì nói cho HĐXX biết để xem xét”.

Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng sau đó, luật sư Phương bức xúc cho rằng thẩm phán chủ tọa “sử dụng những ngôn từ có tính pháp lý để miệt thị luật sư”, làm mất uy tín của ông. Luật sư Phương cũng kiến nghị ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự về những người cần kiểm tra căn cước tại phiên tòa. Trong đó, nếu cần kiểm tra căn cước của luật sư thì sẽ bao gồm các nội dung gì để tòa hành xử cho đúng.

Luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Chê luật sư kém trình độ

Cuối năm 2009, TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xử sơ thẩm một vụ hủy hoại tài sản. Bào chữa cho bị cáo, luật sư Phạm Tiến Mạnh (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho rằng cơ quan tố tụng chưa xác định chính xác số cây bị cáo chặt (số tài sản bị hủy hoại). Tranh luận, Phó Viện trưởng VKS huyện Vân Đồn Vũ Minh Đức bất ngờ đánh giá luật sư: “Tôi thấy chỉ có hai vấn đề: Trình độ của luật sư không có; cái thứ hai là luật sư bỏ qua các biên bản xác minh, tài liệu của cơ quan điều tra để làm giảm uy tín các cơ quan tố tụng”.

Không khí phiên xử trở nên hết sức căng thẳng khi ông Đức gay gắt: “Sau phiên tòa hôm nay, đề nghị HĐXX có văn bản kiến nghị với Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh xem xét đối với luật sư Phạm Tiến Mạnh”. Video clip ghi lại diễn biến phiên tòa mà luật sư Mạnh cung cấp còn cho thấy ông Đức đã có nhiều câu… nói bừa khi tranh luận. Chẳng hạn khi luật sư chỉ ra những điểm không hợp lý trong hồ sơ, kiểm sát viên trả lời: “Do công an lập, VKS không biết”...

Sau phiên xử, luật sư Phạm Tiến Mạnh đã gửi đơn tới lãnh đạo VKS huyện Vân Đồn và VKS tỉnh Quảng Ninh kiến nghị về thái độ của kiểm sát viên. Ngày 26-1-2011, VKS huyện Vân Đồn có văn bản thừa nhận: “Kiểm sát viên Vũ Minh Đức lập luận theo ý kiến chủ quan, chưa tôn trọng quyền của người bào chữa, phát biểu làm ảnh hưởng đến uy tín của luật sư”. VKS huyện cho biết sẽ kiểm điểm, đề nghị VKS tỉnh Quảng Ninh xem xét, xử lý.

Cho đến nay tuyên bố “sẽ kiểm điểm” và “đề nghị xem xét, xử lý” nói trên vẫn chưa được thực hiện. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Minh Đức nói: “Việc tranh luận đó là bình thường”. Còn viện trưởng VKS huyện Vân Đồn bảo: “Cái ấy chúng tôi đã quên đi rồi, khai quật lên làm gì nữa” (?!).

Đánh luật sư ngay tại tòa

Việc luật sư bị những đối tượng liên quan trong vụ án mình tham gia chửi, đánh không phải là chuyện lạ. Ấy thế nhưng chuyện luật sư bị đánh ngay tại phiên xử, trước sự chứng kiến của tòa lại là chuyện khó ngờ tới.

Ngày 1-4-2008, khi luật sư Trần Đình Triển đang phát biểu ý kiến bảo vệ quyền lợi cho thân chủ (nguyên đơn) thì bà NBT (đồng bị đơn) đã có lời lẽ tục tĩu xúc phạm ông. Luật sư Triển đề nghị tòa cho dừng phiên xử, lập biên bản sự việc và mời bà T. ra khỏi phòng xử. Tuy nhiên, tòa vẫn cho phiên xử tiếp tục.

Đỉnh điểm của sự việc là bà T. xông về phía luật sư Triển, giật hồ sơ trên bàn ném tứ tung rồi rút guốc đánh vào mặt, vào đầu làm ông bị chảy máu… Khi luật sư xuống sân tòa, bà này vẫn đuổi theo để đánh, chửi trước mặt rất nhiều người.

Sau đó, luật sư Triển đã làm đơn đề nghị TAND TP Hà Nội khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì bàng quan để xảy ra sự việc trên.

Năm 2020, trên 50% vụ án hình sự có luật sư

Ngày 5-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2015, số lượng luật sư đạt 12.000; đến năm 2020 sẽ từ 18.000 đến 20.000 (đạt tỉ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500), bảo đảm trên 50% các vụ án hình sự khi xét xử có luật sư tham gia…Chiến lược đề ra các giải pháp như hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư; phát triển khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam có quy mô lớn, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế có thương hiệu, uy tín trong khu vực và thế giới…

Sẽ bảo vệ luật sư đến cùng

Thực trạng hành nghề của luật sư hiện vẫn còn có những vướng mắc, đặc biệt trong giai đoạn điều tra. Vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao để ban hành các quy chế phối hợp.

Tuy các luật sư vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hành nghề nhưng số vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi luật sư đã giảm so với trước. Luật sư bây giờ có thể yên tâm vì nếu gặp khó khăn khi hành nghề sẽ luôn có Liên đoàn đứng sau hỗ trợ. Khi bất kỳ luật sư nào bị xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, Liên đoàn luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ đến cùng. Chẳng hạn ở Quảng Trị vừa qua có một luật sư bị hành hung. Sau khi luật sư nhờ can thiệp, Liên đoàn đã có công văn đề nghị các cơ quan tố tụng Quảng Trị giải quyết. Kết quả là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án.

Luật sư LÊ THÚC ANH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Xóa các rào cản

Điều mong mỏi nhất ở giới luật sư hiện nay là Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, phải góp phần giải quyết những khó khăn về tố tụng mà luật sư thường xuyên gặp phải như bị làm khó trong quá trình điều tra, bị làm mất uy tín tại tòa, ý kiến tranh tụng không được tôn trọng... Liên đoàn cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các cơ quan tố tụng để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, hợp pháp đó của luật sư. Hiện xã hội đòi hỏi luật sư phải nâng cao trình độ, vươn ra biển lớn nhưng ngay cả những khó khăn hiện tại vẫn giải quyết chưa xong thì sẽ gây cản trở cho bước đi xa này.

Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM

ĐỨC MINH - KIM LINH

 
Nguồn: phapluattp.vn
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: